Thủ tướng Angela Merkel: Quan hệ giữa châu Âu với Mỹ đang bị thụt lùi

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố quan hệ giữa châu Âu với Mỹ đang bị thụt lùi sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran và các cường quốc trong nhóm P5+1.
Thủ tướng Angela Merkel: Quan hệ giữa châu Âu với Mỹ đang bị thụt lùi ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 15/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố quan hệ giữa châu Âu với Mỹ đang bị thụt lùi sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran và các cường quốc trong nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015, có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Phát biểu tại buổi họp của Liên minh Công đoàn Đức (DGB), bà Merkel nhấn mạnh mặc dù châu Âu biết được các hoạt động của Iran, song vẫn tin tưởng rằng việc duy trì thỏa thuận là cách tốt nhất để giải quyết tình hình.

Trong khi đó, phát biểu trước thềm cuộc họp giữa Ngoại trưởng các nước EU tham gia thỏa thuận hạt nhân với gười đồng cấp Iran Javad Zarif tại thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định Anh và các đối tác châu Âu tiếp tục đánh giá cao vai trò quan trọng của JCPOA với an ninh chung, đồng thời cam kết duy trì thỏa thuận này.

Ông cho biết các bên đang tìm kiếm các phương án triển vọng nhằm hỗ trợ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vào Iran, qua đó đảm bảo việc thực thi cam kết theo thỏa thuận, cũng như kêu gọi Tehran tiếp tục tuân thủ các hạn chế về chương trình hạt nhân.

London cũng kêu gọi Washington tránh bất kỳ hành động nào có thể ngăn các bên còn lại trong thỏa thuận thực thi cam kết, trong đó có việc dỡ bỏ trừng phạt thương mại đối với Tehran.

Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần bù đắp cho việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Salehi cảnh báo Iran đã sẵn sàng nâng cấp chương trình hạt nhân lên mức mạnh hơn so với thời điểm trước khi ký thỏa thuận, nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận không thể bù đắp cho việc Mỹ rút khỏi JCPOA.

Theo thỏa thuận JCPOA ký năm 2015, Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế "ở mức cao nhất" đối với Tehran.

Động thái này của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, Pháp, Đức và Anh. EU lo ngại nếu thỏa thuận trên đổ vỡ sẽ có thể làm gia tăng các cuộc xung đột tại Trung Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục