Tỉnh An Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án ở 5 lĩnh vực gồm nông nghiệp; thương mại-dịch vụ-du lịch; công nghiệp; xây dựng-đô thị; y tế; trao cam kết đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn dự kiến trên 132.000 tỷ đồng.
Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, tổ chức sáng 15/12 tại thành phố Long Xuyên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đến dự Hội nghị.
Cùng dự còn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương ; các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Với những chính sách “trải thảm đỏ,” An Giang đang tích cực mời gọi nhà đầu tư đến với vùng đất thủ phủ của lúa gạo và cá tra - trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Phnom Penh (Campuchia).
An Giang cũng chính là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại biên giới.
Đây cũng là địa phương được Chính phủ chọn là một trong 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ).
Không chỉ có vậy, nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long, nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước; là tỉnh có sản lượng lúa đứng nhất, nhì cả nước.
Thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang, với tổng diện tích thu hoạch 2.700ha/năm, sản lượng đạt trên 379.000 tấn/năm, gồm: các loại cá tra, basa, lóc, rô phi, tôm càng xanh, lươn… với gần 50% diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGap, ASC, VietGAP…
Trong đó, cá tra và basa được xác định là sản phẩm chiến lược của tỉnh, với diện tích nuôi khoảng 1.734ha, sản lượng hơn 287.000 tấn/năm.
Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp, với 23 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất thiết kế 400.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có hơn 100 cơ sở chế biến khô các loại với công suất tiêu thụ nguyên liệu thô trung bình 30.000 tấn/năm.
An Giang có đồng bằng, đồi núi với hệ sinh thái môi trường phong phú, có dãy Thất Sơn huyền bí, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, nhiều danh thắng nổi tiếng, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng,… có sức hút rất lớn với du khách trong và ngoài nước.
Nổi tiếng nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (thành phố Châu Đốc), tiếp đến là lễ Dolta gắn với đua bò Bảy Núi của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, lễ hội văn hóa dân tộc thiểu số Chăm, lễ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo, các lễ giỗ danh nhân (Trần Văn Thành, Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu...).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chứng kiến nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã đầu tư, sản xuất thành công ở An Giang với nhiều công nghệ vượt trội được ứng dụng, giá trị sản phẩm không ngừng được tăng cao như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Việt-Úc…
Nhắc lại tiến trình lịch sử của vùng đất An Giang, Thủ tướng nêu rõ, đây là vùng đất từ 2000 năm trước đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Óc-Eo; là nơi có nền thương mại phát triển mạnh mẽ từ cổ xưa, là trung tâm giao lưu, “trên bến dưới thuyền” đã từng kết nối với Ấn Độ và châu Âu; tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu từ rất sớm.
Đây còn là vùng đất đa văn hóa, đa tôn giáo; quy tụ nhiều trí sỹ, nhân sỹ yêu nước trong lịch sử mà đặc biệt là Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Hoan nghênh các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã đóng góp cho việc hình thành “lối ra” của An Giang, Thủ tướng đánh giá cao kết quả của Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018.
Nhấn mạnh đến tiềm năng riêng có của An Giang, Thủ tướng cho rằng, kết quả của Hội nghị lần này là chỉ dấu cho thấy năm 2019 và những năm tiếp theo An Giang sẽ tiếp tục có những bứt phá quan trọng trở thành một trong những ví dụ thành công sau Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khái quát một số quan điểm chiến lược về sự phát triển của An Giang cũng như vai trò của tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng nêu rõ An Giang không những là vựa cá, vựa lúa, nguồn xuất khẩu nông thủy sản chiến lược, nguồn chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản lúa gạo, cá da trơn toàn cầu… mà tỉnh cần tích cực thu hút đầu tư, lôi kéo những doanh nghiệp tầm cỡ và từ đây phát triển những thương hiệu toàn cầu về nông sản Việt, gắn với những yếu tố đặc thù của địa phương.
Thủ tướng đề nghị với vị trí địa lý đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang cùng với Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau là một trong 4 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long được ví như “4 con tuấn mã dẫn dắt tăng trưởng kinh tế cả Vùng.”
Do vậy, An Giang cần không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, trong đó cần đặc biệt lưu tâm 2 vấn đề là chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao nền tảng công nghiệp chế biến sâu, tương xứng với tiềm năng và lợi thế tự nhiên trong nuôi trồng thủy sản, nông sản, hướng tới nông nghiệp 4.0.
Cùng với đó, nhấn mạnh đến yếu tố liên kết vùng, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng “phải tìm bằng được các cơ chế chính sách hợp tác hữu hiệu và thực chất.”
Khẳng định người dân An Giang là “những bậc thầy trong các nghề thủ công truyền thống như dệt, mộc, đan lát, chạm khắc đá, nắn nồi…,” Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang cần tăng cường bảo tồn gìn giữ để phát triển du lịch địa phương.
[Thủ tướng thăm Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại An Giang]
“An Giang chính là nét chấm phá trong bức tranh du lịch Mekong, là bảo tàng sinh thái tự nhiên và văn hóa độc đáo của Đồng bằng sông Cửu Long. Sứ mệnh của An Giang là phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam,”Thủ tướng nói.
Thủ tướng kỳ vọng với những huyền thoại và linh thiêng, Thất Sơn và Núi Sam sẽ trở thành những biểu tượng về du lịch tâm linh; là niềm tự hào và tôn kính cần bảo tồn và lan tỏa của không chỉ người dân An Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn trong lòng ASEAN và khách du lịch toàn cầu.
Đề nghị chính quyền địa phương cần tiếp tục cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh, trao đổi với các nhà đầu tư tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp quyết tâm làm ăn bền vững; thực hiện tốt tam giác phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tại địa phương.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đảm bảo thực thi Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân; đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, tạo môi trường đầu tư không chỉ cho nhóm đầu ASEAN mà cho nhóm OECD, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn An Giang sẽ phát huy cả lợi thế so sánh tĩnh và lợi thế so sánh động, chú trọng vào những lợi thế cạnh tranh mềm và hạ tầng mềm đến từ môi trường kinh doanh, chất lượng thể chế, nguồn nhân lực năng lực quản trị Nhà nước để trở thành một trong những hình mẫu thành công trong tư duy phát triển theo chuỗi giá trị và cụm ngành.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã công bố với các nhà đầu tư, doanh nghiệp định hướng quy hoạch giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.