Thủ tướng Abe vẫn muốn đối thoại với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa

Thủ tướng Abe cam kết sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Kim Jong-un một cách thẳng thắn, chân thành và không có thành kiến nếu cuộc gặp này được tiến hành.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: WJS)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: WJS)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 16/5 cho biết muốn đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một cách "vô điều kiện" bất chấp việc Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử tên lửa mới đây.

Trong phiên họp toàn thể của Hạ viện Nhật Bản bàn về các vấn đề an ninh quốc phòng, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết ông muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một cách vô điều kiện và không thay đổi quan điểm này bất chấp việc Bình Nhưỡng vừa tiến hành một số vụ thử tên lửa.

Thủ tướng Abe cam kết sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Kim Jong-un một cách thẳng thắn, chân thành và không có thành kiến nếu cuộc gặp này được tiến hành, trong đó sẽ tập trung chính vào giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.

[Trung Quốc ủng hộ việc tổ chức đối thoại giữa Nhật Bản và Triều Tiên]

Thủ tướng Abe cho biết không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào và sẽ hành động dứt khoát để sớm giải quyết vấn đề này do thân nhân những người bị bắt cóc ngày càng lớn tuổi.

Do vậy, nhà lãnh đạo Nhật Bản một lần nữa khẳng định mục tiêu tiến hành đối thoại Nhật-Triều vô điều kiện để nhanh chóng giải quyết vấn đề con tin với Triều Tiên.

Tuy nhiên, Tokyo vẫn sẽ không thay đổi quan điểm rằng sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để buộc Triều Tiên phải tuân thủ hoàn toàn các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong diễn biến liên quan, Ban liên lạc gia đình của các nạn nhân bị bắt cóc đã tổ chức cuộc họp cùng ngày và ra tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng Abe tiến hành đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên một cách vô điều kiện.

Trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đều bác bỏ các nỗ lực của Tokyo yêu cầu giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vì cho rằng vấn đề này đã được giải quyết.

Trong khi đó, phía Nhật Bản chính thức lập danh sách 17 công dân bị bắt cóc vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, đồng thời nghi ngờ Triều Tiên liên quan đến các trường hợp mất tích khác. 5 trong số 17 công dân Nhật Bản bị bắt cóc đã hồi hương vào năm 2002./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục