Thủ tướng Abe Shinzo và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Việt-Nhật

Chia sẻ với Tổng giám đốc TTXVN, Thủ tướng Abe khẳng định quan hệ Nhật Bản-Việt Nam phải là mối quan hệ tương trợ lẫn nhau, hợp tác với nhau, “chung sức làm những việc mà chúng ta cần làm.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 ngày 4/11/2019, tại Bangkok/Nonthaburi, Thái Lan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 ngày 4/11/2019, tại Bangkok/Nonthaburi, Thái Lan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

“Điểm mấu chốt trong quan hệ đối tác giữa hai nước là để cống hiến cho hòa bình và phồn vinh của khu vực. Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đã có sự giao lưu kinh tế nhân dân và hợp tác kinh tế rất năng động. Ngoài ra, chúng tôi rất muốn hợp tác với Việt Nam để giải quyết những vấn đề về an ninh quốc phòng, những vấn đề khu vực và phát triển kinh tế. Tôi rất muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.”

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã chia sẻ như vậy khi trả lời phỏng vấn của Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản.

Cuộc phỏng vấn diễn ra tháng 2 năm ngoái trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo TTXVN tới Nhật Bản. Không chỉ trong cuộc trả lời phỏng vấn này, mà từ trước đó, vị Thủ tướng có thời gian tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Nhật Bản đã bày tỏ ấn tượng rất tốt và dành tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam.

Trong thời gian hoạt động chính trị, Thủ tướng Abe, người vừa thông báo quyết định từ chức ngày 28/8 vì lý do sức khỏe, đã nhiều lần tới Việt Nam. Riêng trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông đã thăm Việt Nam tổng cộng 4 lần.

[Thủ tướng Abe đóng góp quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản]

Chính trong cuộc trả lời phỏng vấn tháng 2/2019, ông đã nhắc tới sự đón tiếp nồng ấm của chính phủ và người dân Việt Nam khi ông tới thăm đất nước Đông Nam Á.

Đó là năm 1993, thời điểm ông Abe bước chân vào chính trường Nhật Bản khi ra tranh cử trong cuộc bầu cử hạ viện tháng 7 năm đó và được bầu làm nghị sỹ lần đầu tiên. Sau khi trúng cử, ông và một số nghị sỹ Nhật Bản khác đã tới thăm Việt Nam.

“Đến giờ, tôi vẫn nhớ những tình cảm đó. Khi đó, Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới và nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã phát triển rất năng động,” ông hồi tưởng lại.

Sau khi gia nhập chính giới, ông Abe đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ và đảng Dân chủ Tự do (LDP) như Phó Chánh Văn phòng Nội các trong giai đoạn 2000-2002, Tổng Thư ký LDP năm 2003 và Chánh Văn phòng Nội các năm 2005.

Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và trở thành vị thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản. Khi đó, ông mới 52 tuổi và là vị thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến.

Trên cương vị này, ông đã tới thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Hà Nội vào tháng 11/2006. Trong chuyến thăm đó, hai bên đã ra Tuyên bố chung về “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.”

Tháng 12/2012, Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền sau một thời gian từ chức vì lý do sức khỏe. Ông đã chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới vào tháng 1/2013. Sau đó, ông còn có thêm 2 chuyến thăm khác tới Việt Nam.

Thủ tướng Abe Shinzo và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Việt-Nhật ảnh 1Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi phỏng vấn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sáng 15/2/2019, tại Thủ đô Tokyo. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)

Trong cuộc trao đổi với Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi, ông Abe nói: “Cho đến thời điểm hiện nay (tháng 2/2019), tôi đã đến thăm Việt Nam tổng cộng 4 lần với tư cách Thủ tướng Nhật Bản. Mỗi lần đến thăm Việt Nam, tôi đều rất vui mừng khi chứng kiến sự phát triển năng động của Việt Nam. Đặc biệt, vào tháng 11/2017, khi tôi đến thăm Việt Nam, tôi đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời đến Hội An, quê nhà của Thủ tướng.

Chúng tôi đã đi dạo phố cổ Hội An, thăm cầu Nhật Bản, được thăm một số cửa hàng mà người Nhật Bản đã từng kinh doanh tại đó từ xa xưa, qua đó một lần nữa tôi hiểu được về lịch sử giao lưu giữa hai nước. Khi đó, Hội An đang gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng sau một trận bão nhưng vẫn có rất nhiều người dân đứng hai bên đường để chào đón chúng tôi. Tôi vô cùng cảm động trước tình cảm đó.” 

Thủ tướng Abe Shinzo cũng khẳng định rằng quan hệ Nhật Bản-Việt Nam phải là mối quan hệ tương trợ lẫn nhau, hợp tác với nhau, “chung sức làm những việc mà chúng ta cần làm.”

Đặc biệt, ông bày tỏ mong muốn hai nước cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020.

Có thể khẳng định Thủ tướng Abe Shinzo  đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế.

Trong 8 năm qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã phát triển hết sức mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Năm 2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.” Năm 2017, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài số hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Đáng chú ý, Thủ tướng Abe đã mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng vào năm 2016 và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà vào năm 2019.

Đây đều là những lần đầu tiên Việt Nam tham dự các diễn đàn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn như G7 và G20. Như khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam: “Tại thời điểm hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Hai nước có sự tin cậy chính trị cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.”

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã không ngừng lớn mạnh và nhanh chóng trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba ở Nhật Bản.

Thủ tướng Abe Shinzo và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Việt-Nhật ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại lễ đón. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo thống kê của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, cho đến cuối năm ngoái, có tổng cộng gần 412.000 người Việt Nam đang cư trú tại nước này, tăng gấp hơn 12 lần so với năm 2012 - thời điểm Thủ tướng Abe mới quay lại nắm quyền.

Đó một phần là nhờ các chính sách tạo điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam của Chính phủ Nhật Bản trong giai đoạn này, bởi ông Abe trong cuộc trả lời phỏng vấn tháng 2/2019 đã nói rằng: “Từ ngày 1/4/2019, khi chế độ tiếp nhận người lao động nước ngoài mới có hiệu lực, tôi mong muốn nhiều người Việt Nam ưu tú sang Nhật Bản làm việc.”

Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát vào đầu năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động Việt Nam tại nước này như: trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt giống như các công dân Nhật Bản; hỗ trợ điều trị cho các thực tập sinh Việt Nam không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2; cho phép các thực tập sinh hết hạn hợp đồng tiếp tục làm việc cho đến khi có chuyến bay về nước… 

Chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn tháng 2/2019, Thủ tướng Abe nói: “Trong ấn tượng của người Nhật Bản, dân tộc Việt Nam là dân tộc rất cần cù, thông minh, tính kiên nhẫn cao và đặc biệt tình cảm của người Việt Nam rất ấm áp.”

Có lẽ, những ấn tượng như vậy về Việt Nam là một trong những lý do để vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Nhật Bản bày tỏ: “Tôi rất muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục