Ngày 7/9, phát biểu với báo giới sau cuộc họp với Đại sứ các nước thành viên EU tại Pháp, Bộ trưởng Môi trường nước này Ségolène Royal cho biết tiến trình phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có bước tiến triển mới.
Theo bà Ségolène Royal, bước tiến triển này được thể hiện cả ở thủ tục phê chuẩn của từng nước thành viên và ở cấp độ EU cũng như việc chia sẻ những nỗ lực giảm lượng phát khí thải nhà kính từ nay đến năm 2030.
Bộ trưởng Môi trường Pháp nhấn mạnh rất lạc quan vì không còn quốc gia thành viên nào tiếp tục ra điều kiện về việc phê chuẩn đối với quyết định về chia sẻ những nỗ lực này và tin rằng EU sẽ "có công cụ" trước cuộc họp về biến đổi khí hậu Marrakesh tại Maroc (COP22) diễn ra từ 7-18/11.
Để việc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực tại EU thì từng nước thành viên cùng với EU phải phê chuẩn. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có Pháp, Hungary và Áo đã phê chuẩn Hiệp ước này, còn các nước khác bị chậm do những khó khăn vì qui trình thủ tục. Ví dụ như tại Bỉ thì các quốc hội vùng phải được tham vấn trong khi tại các nước khác thì chính phủ không có quyền can thiệp vào lịch trình của Quốc hội vốn rất máy móc.
EU hiện là tác nhân lớn thứ 3 gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc, chiếm gần 12% lượng phát khí thải toàn cầu. Theo quy định, để Hiệp định này có hiệu lực cần ít nhất 55 quốc gia chiếm 55% lượng khí thải nhà kính phê chuẩn. Nhưng đến nay mới có 26 quốc gia thông qua, chiếm 40% lượng phát khí thải.
Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái, quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kì tiền công nghiệp.
Ngoài ra, Hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu./.