Thủ tục hành chính nào có chi phí thực hiện đắt đỏ nhất Việt Nam?

Doanh nghiệp mất trung bình tới 64 triệu đồng để thực hiện một thủ tục trong lĩnh vực xây dựng. Trong khi ấy, với lĩnh vực thuế, số tiền chỉ là 73.000 đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Doanh nghiệp mất trung bình tới 64 triệu đồng để thực hiện một thủ tục trong lĩnh vực xây dựng. Trong khi ấy, với lĩnh vực thuế, số tiền chỉ là 73.000 đồng.

Đây là những kết quả vừa được cho biết trong Hội nghị công bố Báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2018 sáng 17/8.

Thủ tục xây dựng đứng bét bảng

Báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2018 do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện lần đầu. Đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính trên cả nước.

Để thực hiện báo cáo, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin của 3.000 doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hành chính trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2017.

[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để một việc mà phải báo cáo hai bộ]

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, chỉ số APCI gồm 2 chỉ số thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp phải chi trả.

Chi phí thời gian là khoảng thời gian thực tế mà doanh nghiệp, tổ chức phải bỏ kể từ khi bắt đầu tìm hiểu thủ tục hành chính tới khi hoàn tất việc thực hiện thủ tục. Cơ quan tính toán từ đó sẽ nhân với mức thu nhập trung bình của một người theo giờ (khoảng 25.000 đồng/giờ) để tính ra số tiền.

Còn lại, chi phí trực tiếp theo ông Phan là là các khoản như phí, lệ phí, chi phí tư vấn hay các chi phí không chính thức.

Từ đó, theo ông Phan, quán quân của bảng xếp hạng chỉ số APCI năm 2018 là nhóm thủ tục hành chính thuế với chi phí tuân thủ là hơn 73.000 đồng. Cụ thể, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm này chỉ là 2,9 giờ.

Sự khác biệt theo ông Phan với nhóm thuế là do việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá tình thực hiện và giải quyết các thủ tục. Theo đó, doanh nghiệp được yêu cầu sử dụng hệ thống phần mềm cung cấp bởi ngành thuế cho phần lớn các thủ tục hành chính có tần suất cao, thay vì tới nộp trực tiếp.

Đứng thứ 2 trong bảng APCI là nhóm thủ tục về khởi sự và đăng ký doanh nghiệp với chi phí tuân thủ hơn 720.000 đồng trong đó riêng thời gian thực hiện thủ tục là 10,5 giờ. Theo ông Ngô Hải Phan, mức chi phí trên cho thấy, các thủ tục nhóm này đang dần dễ dàng hơn cho doanh nghiệp.

Kết quả APCI 2018 theo nhóm thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, ông cũng nhắc tới việc dư địa cải cách cho nhóm này còn lớn khi trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, thứ hạng của nhóm trên vẫn còn ở vị trí 123/190.

Ba nhóm cuối cùng trong bảng xếp hạng là thủ tục hành chính đầu tư, môi trường và xây dựng. Đặc biệt, đứng cuối bảng là thủ tục xây dựng với chi phí tuân thủ lên tới hơn 64 triệu đồng, gấp nhiều lần so với nhóm đầu tiên. Thời thực hiện thủ tục của nhóm xây dựng theo tính toán cũng lên tới gần 104 giờ.

“Không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách”

Nói riêng về thời gian, ông Phan cho rằng, phần lớn thời gian được doanh nghiệp dành ra để thực hiện việc chuẩn bị hồ sơ và chỉnh sửa bổ sung hồ sơ. Trung bình, các doanh nghiệp dành hơn 55% thời gian cho riêng khâu chuẩn bị hồ sơ. Tiếp đó, doanh nghiệp dành hơn 17% thời gain để chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Kết quả này theo ông phản ứng việc giảm chi phí thời gian cần tập trung vào việc giảm thiếu và đơn giản hóa hồ sơ cũng như cung cấp thông tin và hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, rõ ràng minh bạch cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì cho rằng, những kết quả trên cho thấy doanh nghiệp, người dân khi tiếp cận các thủ tục hành chính vẫn mất nhiều thời gian đi lại và chi phí.

Bộ trưởng thẳng thắn, tiến trình cải cách nếu không quyết liệt, không “áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách vì cho rằng đó là quyền lợi của cán bộ.”

“Nếu ta làm tốt công khai tốt, chắc chắn chi phí sẽ giảm, chi phí này là cả thời gian và tiền bạc, tình trạng lót tay, bao thư chắc chắn cũng giảm vì ta công khai, giám sát được,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng lấy ví dụ về một số địa phương thực hiện trung tâm hành chính công và chính quyền điện tử. Doanh nghiệp khi tới nơi thực hiện dịch công theo Bộ trưởng có mang phong bì cũng không muốn đưa cho ai.

Nói về mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục kinh doanh trước 15/8, Bộ trưởng cho biết, cơ bản các bộ đã trình Nghị định. Tuy nhiên, ông khẳng định, Văn Chính phủ sẽ có kênh độc lập để rà soát, tránh tình trạng cắt điều kiện này, mọc điều kiện khác, hay chuyển điều kiện sang quy chuẩn, tiêu chuẩn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục