Tạp chí The Week Magazine mới đây đăng bài phân tích về vấn đề Triều Tiên của chuyên gia Harry Kazianis, Giám đốc chương trình nghiên cứu quốc phòng thuộc Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, Mỹ.
Bài phân tích nêu rõ: Bất chấp những tuyên bố tích cực của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, Mỹ và Triều Tiên vẫn đang ở tình trạng bế tắc.
Washington tiếp tục yêu cầu Bình Nhưỡng phải giải giáp nhanh chóng chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, nhưng Kim Jong-un khăng khăng rằng điều đầu tiên cần làm là Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch đã lỗi thời từ hàng thập kỷ.
Điều này có nghĩa là Triều Tiên cần Mỹ chính thức ủng hộ việc chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên, công nhận quan hệ ngoại giao đầy đủ với Triều Tiên và dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt.
Cả hai bên đều muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn và kết thúc hàng thập kỷ kéo dài trong căng thẳng. Tuy vậy, vấn đề khó khăn là bên nào sẵn sàng hành động trước.
Victor Cha, chuyên gia về Triều Tiên và từng được cân nhắc cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cho rằng vấn đề hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên là “thứ tự hành động,” tức là bên nào sẵn sàng đưa ra nhượng bộ trước để bước vào tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa.
Liệu Triều Tiên có muốn thực hiện “quyết định chiến lược” để từ bỏ tên lửa và các đầu đạn hạt nhân, từ đó đạt được sự nhượng bộ về ngoại giao và kinh tế của Mỹ?
[Tổng thống Mỹ hoan nghênh nhà lãnh đạo Triều Tiên "giữ lời hứa"]
Hay liệu có phải Trump đã trao cho Kim Jong-un nhiều sự nhượng bộ hơn - bên cạnh một cuộc gặp thượng đỉnh và 3 chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng - để tạo ra cảm giác về lòng tin dành cho Triều Tiên đối với lời hứa không tìm cách thay đổi chế độ nhà họ Kim trong tương lai - một điều lo ngại lớn nhất của Kim Jong-un?
Vậy, tại sao Mỹ và Triều Tiên không chọn cách cùng thực hiện các cam kết? Washington có thể đưa ra hàng loạt biện pháp xây dựng lòng tin với Bình Nhưỡng, trong đó hai bên đều thực hiện những bước nhượng bộ cùng một lúc.
Như vậy, sẽ không có bên nào phải hành động trước và sẽ không phải lo ngại rằng đề xuất của mình không được đáp ứng một cách lịch thiệp.
Gần đây, Triều Tiên cho thấy sự sẵn sàng trong việc trao trả hài cốt lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Mỹ và Triều Tiên nên coi đây là cơ hội để xác định cột mốc kết thúc chính thức cho cuộc xung đột này. Một lễ kỷ niệm với sự hiện diện của 3 nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn Quốc-Triều Tiên nên được xem xét tổ chức tại khu vực phi quân sự (DMZ) vào ngày 27/7 vừa qua, cùng với lễ kỷ niệm 65 năm hai miền Nam-Bắc ký thỏa thuận đình chiến để tạm ngừng xung đột về mặt kỹ thuật.
Nếu điều này xảy ra, Kim Jong-un sẽ có điều mà ông muốn, trong khi Trump trở về nước với những hài cốt lính Mỹ mà người dân đã mong mỏi suốt hàng thập kỷ.
Hai nước cũng có thể tận dụng động thái mang tính biểu tượng như vậy để thúc đẩy những bước đi có ý nghĩa thực chất hơn.
Có thể một tháng sau đó, tất cả các bên nên chấp nhận về thỏa thuận giảm bớt số lượng nhỏ sự hiện diện quân sự dọc khu vực DMZ, có thể ở mức giảm 10%.
Thỏa thuận này cũng cần bao gồm hoạt động thanh sát việc giảm quân số của các bên để đảm bảo cam kết được tuân thủ thực hiện.
Khi lòng tin giữa các bên được củng cố, Hàn Quốc và Triều Tiên có thể thực hiện các bước tiến lớn hơn với sự giúp đỡ của Mỹ, chẳng hạn như khả năng hai miền đồng ý tiến hành các hoạt động thanh sát chung và viếng thăm các cơ sở hạt nhân dân sự lẫn nhau. Điều này sẽ đảm bảo sự minh bạch, ít nhất đối với những vấn đề hạt nhân phi quân sự, qua đó thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa tất cả các bên.
Sau một số nhượng bộ nhỏ, mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn. Ở mức độ nào đó, Triều Tiên cần chấp nhận việc công bố hoàn toàn danh sách các cơ sở hạt nhân, kích cỡ các kho chứa bom hạt nhân, số lượng các nhà khoa học làm việc cho các chương trình này, số lượng nguyên liệu hạt nhân…
Nếu Triều Tiên chấp nhận điều này, các thanh sát viên mới có thể bắt đầu nhiệm vụ của họ ở Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh cũng nên cam kết cắt giảm 50% các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Nhiều biện pháp trừng phạt cần tiếp tục được bãi bỏ ngay khi các nhóm làm việc quốc tế bắt đầu tiến trình giải giáp chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
Thậm chí, Trump còn có thể đề nghị rằng ngay khi vũ khí hạt nhân đầu tiên được giải giáp, ông sẽ công nhận Triều Tiên như là một quốc gia thực sự và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước - vấn đề mà Triều Tiên luôn mong muốn hàng thập kỷ qua.
Hiện không thể đánh giá được những kịch bản trên có xảy ra hay không, song có một điều chắc chắn là Bình Nhưỡng đã lặp lại tín hiệu rằng họ sẽ không đơn phương thực hiện các hoạt động giải giáp hạt nhân và tên lửa, còn Washington lại do dự trong việc đưa ra bất kỳ hành động nhượng bộ thêm nào.
Sự thỏa hiệp giữa hai bên là rất cần thiết vào lúc này. Các kịch bản trên ít nhất sẽ tạo điều kiện cho Chính quyền Trump thử nghiệm ý định thực sự của Kim Jong-un và có thể thấy được mức độ nghiêm túc đến đâu của Triều Tiên trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Điều này là đáng thử và Mỹ cần sẵn sàng chấp nhận mất mát một số thứ./.