Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu nông lâm thủy sản đang tăng trở lại

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hai tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3%; giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần.

ttxvn_Phung_duc_tien_2902.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hai tháng đầu năm, ngành nông nghiệp có sự tăng trưởng khá cả về sản xuất và xuất khẩu. Điều này cho thấy, các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại.

Về kết quả ngành đạt được cũng như những kế hoạch thực hiện thời gian tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.

- Xin Thứ trưởng cho biết kết quả sản xuất ngành nông nghiệp đạt được trong 2 tháng đầu năm nay?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong nhiều năm qua, tái cơ cấu ngành đã đạt những nền tảng quan trọng. Qua đó, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trong 2 tháng đầu năm.

Thứ nhất về sản lượng lúa đã thu hoạch đạt 3,2 triệu tấn. Tuy có giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng năm nay ngành phấn đấu duy trì sản xuất trên diện tích 7,1 triệu ha và sản lượng 43 triệu tấn; trong đó, duy trì sản lượng xuất khẩu gạo 8 triệu tấn.

Thứ hai là chăn nuôi đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nông nghiệp vẫn trì đà tăng tương đối cao như: đàn lợn tăng khoảng 4,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 2,1%. Hiệu ứng truyền thông về chống buôn lậu, đặc biệt là lợn các tỉnh phía Nam, gia cầm với tỉnh phía Bắc, cùng với sự vào cuộc của cơ sở, tăng trưởng ngành chăn nuôi duy trì tốt và giá có cải thiện đáng kể.

Thủy sản sau hai tháng đạt 2,12 triệu tấn, tăng 1,7%. Thực hiện chiến lược tăng nuôi trồng để giảm khai thác thì nuôi trồng tăng trên 3%, còn khai thác giảm.

Những tháng khởi đầu của năm, ngành nông nghiệp đã thúc đẩy sản xuất và giữ đà tăng trưởng. Đây là tín hiệu vui để ngành đảm bảo được tốc độ tăng trưởng theo đúng mục tiêu và sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới vẫn có thể có diễn biến rất khó lường thì ngành phải có tính chủ động và dự báo để làm sao với cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường như thế có thể điều chỉnh một cách linh hoạt và đảm bảo thích ứng được trong mọi tình hình, diễn biến để về đích.

- Mặc dù tháng 2 có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, song kết quả xuất khẩu của ngành cũng đạt khá tốt. Thứ trưởng chia sẻ gì về kết quả này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Riêng tháng 2, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3%. Giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần.

Dấu hiệu rất tích cực đó là xuất khẩu lâm sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; thủy sản 1,37 triệu USD, tăng 28,9%. Nhiều mặt hàng chủ lực khác của ngành có giá trị xuất khẩu tăng cao như: cà phê tăng 85%, rau quả tăng, gạo tăng 49,8%, hạt điều tăng 68,2%.

Như vậy, đà tăng xuất khẩu vẫn duy trì được và đây là những khởi đầu rất thuận lợi, tích cực cho cả năm với mục tiêu 54-55 tỷ USD.

ttxvn_xuat_khau_nong_lam_thuy_san_2902.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Điều đáng chú ý là cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự thay đổi. Thị trường Mỹ đứng đầu đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 21,5%; Trung Quốc xuống vị trí thứ hai chiếm 21%; tiếp đến là thị trường Nhật Bản chiếm 7,2%...

Qua đây cũng cho thấy, các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại cũng như chất lượng nông sản Việt ngày càng đáp ứng tốt các thị trường cao cấp. Cơ cấu lại ngành đã đi vào gắn với thị trường chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, Bộ vẫn phải tập trung cho sản phẩm đều khắp các thị trường. Tới đây, Bộ chỉ đạo Tập đoàn De Heus tập trung cho xuất khẩu thịt gà vào thị trường Halal. Dự kiến tháng 5, doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng và mỗi tháng có thể xuất khẩu được 1.000 tấn. Đây là dấu mốc rất quan trọng với ngành, đặc biệt là trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Ngoài sản phẩm chăn nuôi, Bộ cũng chỉ đạo thủy sản tập trung cho thị trường Halal với khoảng 2,2 tỷ người này.

Qua đây cũng cho thấy, hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường của Bộ đang mang hiệu quả rõ rệt. Chúng ta phải bước chân vào những thị trường khó tính và những thị trường mang tính đặc thù, đặc biệt để sản phẩm nông sản Việt Nam đi được nhiều phân khúc, nhiều thị trường và doanh thu về xuất khẩu sẽ lớn hơn.

- Trung Quốc đã đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Hai bên cũng đã có Bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng. Xin Thứ trưởng cho biết về cơ hội xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật sang thị trường này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như chúng ta đã biết, Trung Quốc là thị trường có số lượng dân cư rất đông và nhu cầu thực phẩm rất lớn. Trước đây khi chưa có hàng rào biên giới thì xuất tiểu ngạch rất lớn. Tuy nhiên, từ khi có hàng rào và đến nay chúng ta đã có bản ghi nhớ trên.

Ngày mai (1/3), Bộ sẽ tổ chức hội nghị triển khai Bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Triển khai bản ghi nhớ này, Việt Nam có thể xuất khẩu được sản phẩm sang Trung Quốc.

Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã chăn nuôi theo quy trình khép kín từ giống, thức ăn dinh dưỡng, phòng bệnh an toàn sinh học, giết mổ, chế biến và vận chuyển.

Chẳng hạn trình độ công nghệ của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn De Heus… không thua kém các nước trên thế giới. Do vậy, đây chính là cơ hội để sản phẩm chăn nuôi Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách nhanh nhất. Đồng thời, góp phần đảm bảo một thị trường xuất khẩu nông sản nhất nhì của Việt Nam.

- Sau Tết Nguyên đán, giá lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long giảm, cùng với đó giá gạo xuất khẩu cũng giảm. Liệu điều này có tác động gì đến mục tiêu xuất khẩu của gạo trong năm nay, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn. Các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đang chịu chi phối ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Xuất khẩu lúa mỳ của Ukraine có những vướng mắc. Do vậy, việc thiếu lương thực của thế giới còn kéo dài trong những năm tới đây. Đây vẫn là cơ hội nên Bộ đặt mục tiêu duy trì sản xuất 7,1 triệu ha với 85% giống lúa mới và 89% gạo chất lượng cao.

ttxvn_thu_hoach_lua_2902.jpg
Nông dân huyện Vị Thủy thu hoạch lúa Đông Xuân 2022 - 2023. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Cùng với đó, ST25 lần thứ hai đạt quán quân thế giới về chất lượng. Đây là những điều kiện tiềm năng, lợi thế của Việt Nam để sản xuất lúa gạo trong thời gian tới.

Hai tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 708 triệu USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2%.

Thị trường có thể có những biến động, nhưng giá khó có thể giảm sâu trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, với một số thị trường lớn như Indonesia, Philippines… Việt Nam đã ký kết các hợp đồng về sản lượng, còn giá theo thị trường. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để ngành duy trì sản lượng lúa gạo trên diện tích sản xuất 7,1 triệu ha trong thời gian tới.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục