Nhân dịp Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) chuẩn bị diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Nam Mỹ đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Peru Nestor Popolizio về sự kiện quan trọng này và về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Peru.
Thứ trưởng Popolizio nhận định kể từ khi thành lập, APEC đã trở thành một không gian thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc tăng cường tự do thương mại và đầu tư -những trụ cột của APEC, đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện các chỉ số kinh tế, xã hội của các nền kinh tế.
Các cơ chế mở cửa tự nguyện, đặc trưng cho APEC, đã có một lộ trình tuyệt vời và đạt được những kết quả to lớn, với việc gia tăng tới bảy lần trao đổi thương mại nội khối. Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực như thị trường lương thực bị đẩy lùi lại phía sau. Vì vậy, ông Popolizio cho rằng cần chuẩn bị cơ sở để đàm phán Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Trong bối cảnh xuất hiện xu hướng bảo hộ trên thế giới và nhiều thách thức toàn cầu, Peru đưa ra bốn đề xuất. Một là APEC phải tuyên truyền tốt hơn nữa về những lợi ích của tự do thương mại vì mục tiêu phát triển. Hai là chương trình nghị sự thương mại của diễn đàn nên được kết nối tốt hơn với chương trình nghị sự kinh tế vĩ mô. Các chủ đề như "tăng trưởng chất lượng", "cải cách cơ cấu," "đầu tư con người," "kết nối" phải được lồng ghép vào các chương trình làm việc khác nhau của diễn đàn.
Thứ ba, APEC cần chú ý nhiều hơn đến "chi phí điều chỉnh" (adjustment costs) mà các nền kinh tế đã bị cạn kiệt nghiêm trọng do các hiệp định thương mại tự do. Thứ tư, APEC cần tăng cường cơ sở hợp tác kinh tế và kỹ thuật trong những năm tới, đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Về triển vọng các quốc gia tham gia ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể đạt được một thỏa thuận tự do thương mại mới vào tháng 11 tới ở Việt Nam, Thứ trưởng Popolizio bày tỏ hy vọng tại cuộc họp trước thềm Hội nghị cấp cao APEC tới, “mọi việc sẽ được sáng tỏ về khả năng cứu vãn những lợi ích mà TPP có thể đem lại."
Về thông điệp của Chính phủ Peru gửi tới nước chủ nhà Việt Nam tại APEC 2017 nhân dịp Tổng thống Pedro Pablo Kuczunski tham dự sự kiện này, Thứ trưởng Popolizio cho biết Peru hy vọng APEC 2017 sẽ tiếp tục làm việc để đạt được Mục tiêu Bogor vào năm 2020, bao gồm tự do thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật. Đồng thời, Peru hy vọng quá trình thực hiện Tầm nhìn 2020 của APEC, được khởi xướng tại Lima vào năm 2016, sẽ được củng cố với sự chấp thuận đề xuất từ phía Việt Nam để thể chế hóa văn bản này.
[APEC là động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách ở Việt Nam]
Bên cạnh đó, trên cơ sở tuân thủ Tuyên bố Lima về FTAAP năm 2016, Peru hy vọng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tại Hội nghị cấp cao tới đây có thể thông qua Kế hoạch hành động của Tuyên bố Lima về FTAAP, mở đường cho việc thực hiện ý tưởng thành lập một Khu vực Tự do Thương mại châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai gần.
Liên quan việc mở rộng hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tương lai, Thứ trưởng Popolizio nhấn mạnh Peru là thành viên của Liên minh Thái Bình Dương (AP) vốn đặt mục tiêu trở thành nền tảng cho sự phối hợp chính trị và hội nhập kinh tế, thương mại hướng ra thế giới. Do đó, AP nói chung và Peru nói riêng đang tăng cường hợp tác với ASEAN, trên cơ sở Hiệp định khung hợp tác được thông qua ngày 22/9 vừa qua tại New York (Mỹ), cũng như kế hoạch công tác giai đoạn 2017-2018, theo đó tập trung vào bốn lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ-đổi mới và phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, hồi tháng Một năm nay, Peru đã tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm về các chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, chính quyền Lima cũng đang chuẩn bị tổ chức một hội thảo liên quan tới doanh nghiệp vừa và nhỏ vào đầu năm tới.
Thứ trưởng Popolizio tin tưởng các giá trị mà cả AP và ASEAN cùng chia sẻ, thúc đẩy sẽ cho phép hai khối tiếp tục thiết kế các hoạt động vì lợi ích chung, góp phần vào việc củng cố sự phát triển và nâng cao vai trò của AP; tin tưởng tiềm năng phát triển quan hệ AP-ASEAN, cho phép tiếp tục thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên.
Đánh giá về mối quan hệ cũng như triển vọng hợp tác giữa Peru và Việt Nam, Thứ trưởng Popolizio nhấn mạnh hai nước đã có những bước tiến vượt bậc trong năm ngoái. Việc Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017 ngay sau Peru cho phép có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ban ngành của hai chính phủ cũng như thúc đẩy cách tiếp cận và xác định mối quan tâm chung trong các lĩnh vực như ngư nghiệp và đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.
Dẫn chứng cho sự phát triển trong mối quan hệ của hai nước, Thứ trưởng Popolizio cũng đã điểm lại cuộc hội đàm tại Lima tháng 11/2016 giữa Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, trong đó có nhiều hiệp định hợp tác được ký kết.
Trên cơ sở các cam kết đó, ngày 23/10 vừa qua, Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban liên Chính phủ về Kinh tế và Hợp tác kỹ thuật Việt Nam-Peru đã được tổ chức, góp phần thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước. Đặc biệt, hai bên đã quyết định tăng cường hơn nữa cấp độ đại diện của phái đoàn Ngoại giao Peru tại Hà Nội thông qua việc cử một Đại sứ đảm nhận nhiệm vụ này vào đầu năm 2018./.