Thứ trưởng Ngoại giao Latvia tham vấn chính trị tại Việt Nam

Theo thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao, ngày 12/6, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiến hành tham vấn chính trị với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Latvia Andrejs Pildegovics.
Thứ trưởng Ngoại giao Latvia tham vấn chính trị tại Việt Nam ảnh 1Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Latvia Andrejs Pildegovis. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Theo thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao, ngày 12/6, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiến hành tham vấn chính trị với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Latvia Andrejs Pildegovics.

Hai bên bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Latvia thời gian qua, nhất là chuyến thăm chính thức Latvia của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tháng 10/2017.

Hai bên hoan nghênh sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc và ASEM.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Latvia đã cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Latvia khẳng định Latvia ủng hộ mạnh mẽ việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Hai bên đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Latvia thời gian qua: Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Latvia tại Đông Nam Á và Latvia cũng là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam trong số các nước Baltic với kim ngạch hai chiều năm 2017 đạt 166 triệu USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2010; hoan nghênh việc ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đồng thời nhất trí sớm đàm phán ký Hiệp định hợp tác kinh tế và Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa hai nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, trong đó có việc duy trì cơ chế tham vấn chính trị, phối hợp lập trường trong các vấn đề quốc tế quan trọng; nhất trí ủng hộ giải quyết các tranh chấp, bao gồm cả trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục