Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tình trạng chiếm dụng vỏ bình LPG vẫn diễn ra phức tạp.
Hơn nữa, việc chiếm dụng vỏ bình, cắt tai, mài vỏ không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ gây nguy hiểm cho tính mạng của người tiêu dùng.
Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị "Sơ kết 6 tháng thực hiện chỉ thị số 13/CT-BCT của Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng" do Bộ Công Thương tổ chức chiều 24/4, tại Hà Nội.
[Phát hiện 6.000 vỏ bình gas tái chế lại, không đảm bảo an toàn]
Số vụ vi phạm chưa giảm
Thống kê của Cục Quản lý trường (Bộ Công Thương), kể từ khi triển khai thực hiện chỉ thị số 13/2017/CT-BCT ngày 4/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương đến nay, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 2.359 vụ, xử lý 643 vụ, thu giữ 1.781 chai LPG và 15.546 chai LPG mini, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, hoạt động san chiết gas trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Không những thế, sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp đầu mối tranh giành thị trường bằng nhiều thủ đoạn khác nhau cũng dẫn đến nhiều bất ổn trong lĩnh vực này và tạo dư luận không tốt.
Chia sẻ một số nguyên nhân dẫn đến những bất ổn của thị trường khí hóa lỏng hiện nay, đại diện Hiệp hội gas Việt Nam cho rằng, các quy định quản lý nhà nước về kinh doanh gas còn nhiều vướng mắc.
Đơn cử vấn đề trả lại bình gas cho chủ sở hữu ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan kiểm tra xử lý vi phạm, các địa phương còn hiểu khác nhau, dẫn đến xử lý khác nhau.
Theo đó, có vụ xử lý hình sự, có vụ lại xử phạt hành chính, có vụ bán đấu giá, hoặc có vụ trả lại cho chủ sở hữu. Chính việc xử lý vi phạm khác nhau nên phần nào đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas hiện nay.
Trong khi đó, đại diện Chi Cục Quản lý thị trường Bình Dương lại đề nghị hiệp hội gas cần vào cuộc và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh với nạn gas giả và kém chất lượng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định trong việc xử lý vi phạm lĩnh vực khí hóa lỏng, tránh việc phát hiện dấu hiệu vi phạm nhưng khó xử lý và răn đe.
Tăng xử phạt đảm bảo tính răn đe
Chia sẻ thêm những bất cập trong lĩnh vực trên, theo thiếu tá Nguyễn Văn Thực, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) Bộ Công an, dù kinh doanh khí hóa lỏng là lĩnh vực đặc thù tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội, tuy vậy việc quản lý vẫn chưa theo cơ chế đặc thù như kinh doanh xăng dầu nên còn bất cập.
Đáng chú ý, tỷ lệ xử lý hình sự còn thấp (chỉ 4%) trên tổng số các vụ việc mà đơn vị này xử lý, mà nguyên nhân chính là do các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này còn chồng chéo, hơn nữa chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe và đảm bảo phòng ngừa loại tội phạm này.
Do vậy theo đại diện C74, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, xem xét tăng mức xử phạt, thậm chí là thu hồi giấy phép vĩnh viễn các cơ sở nhiều lần vi phạm, qua đó làm lành mạnh thị trường.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí dầu mỏ hoá lỏng, tại hội nghị, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đề nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện Nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP đồng thời trình Thủ tướng Chỉnh phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng.
Ông Ngọc cũng đề nghị lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sang chiết mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh đồng thời tổ chức cho các thương nhân ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm./.