Thứ trưởng Bộ Y tế: "Việt Nam đã và đang có dịch sởi"

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận đúng là có chuyện nóng về mặt chỉ đạo, lạnh về mặt thực hiện trong công tác phòng chống dịch sởi.
Các bệnh nhân nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Chiều 18/4, trong cuộc họp báo thông tin về phòng chống dịch sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong thời gian qua, đúng là có chuyện nóng về mặt chỉ đạo, lạnh về mặt thực hiện trong công tác phòng chống dịch sởi.

Trước câu hỏi của giới truyền thông vì sao Việt Nam chưa công bố dịch sởi và mức độ nguy hiểm của bệnh này như thế nào, ông Long cho hay: “Tôi xin khẳng định, cho đến thời điểm hiện nay Việt Nam đã và đang có dịch sởi và 61 địa phương đã có báo cáo các trường hợp mắc sởi.”

Trước vấn đề dư luận quan tâm là công bố hay không công bố dịch sởi, Thứ trưởng Long cho biết: “Chúng ta phải làm rõ việc công bố hay không công bố không có nghĩa là Việt Nam không có dịch sởi. Bởi trong tất cả các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và trong các văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố và kể cả công điện…đều khẳng định cần phải phòng chống dịch sởi."

Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng phản ứng của Bộ Y tế đối phó với dịch sởi còn chậm. Về việc này, ông Long cho hay, ngay sau khi xảy ra các vụ dịch lẻ tẻ, rải rác ở ba tỉnh miền núi như: Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn triển khai ngay các hoạt động cần thiết để phòng chống dịch ở các khu vực này. Chính vì vậy, việc ngăn chặn, khống chế dịch sởi tại ba tỉnh trên đã được tiến hành từ cuối năm 2013.

Đến khi dịch có dấu hiệu lan ra một số tỉnh và có thêm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ngay lập tức Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức chiến dịch tiêm vét vắcxin phòng chống sởi cho tất cả trẻ em dưới hai tuổi. Ngay khi đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo việc tiêm vắcxin cho trẻ nhỏ trên 63 tỉnh, thành phố. 

Ông Long cho hay, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản, công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh đề nghị huy động toàn bộ chính quyền, các ban ngành đoàn thể vào cuộc phòng chống và dập tắt dịch sởi.

“Đúng là có chuyện nóng về mặt chỉ đạo, lạnh về mặt thực hiện là có. Nhiều khi chúng tôi cảm giác một số nơi không triển khai thực hiện. Từ ngày mai chúng tôi sẽ công bố toàn bộ danh sách các tỉnh và tỷ lệ tiêm của các tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, sở y tế các tỉnh cũng cần xem xét lại việc thực hiện chỉ đạo như thế nào và cần thực hiện quyết liệt,” Thứ trưởng Long thừa nhận.

Lý giải về vấn đề dùng từ thông báo và công bố dịch, Thứ trưởng Long cho hay, vào tháng 5/2012 Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch sởi. Trong đó định nghĩa rất rõ có trường hợp ổ dịch sởi có ba trường hợp trở lên trong đó chỉ cần có hai trường hợp trở lên xét nghiệm dương tính là đã thông báo có dịch sởi.

Bộ Y tế vẫn dùng từ thông báo dịch, Tổ chức Y tế Thế giới và các nước cũng gọi là thông báo dịch. Vấn đề công bố dịch hay không công bố dịch, các biện pháp chuyên môn đều phải thực hiện theo quyết định của Bộ Y tế về phòng chống dịch, trong đó quy định rất rõ chỉ có một trường hợp nghi ngờ mắc sởi là y tế đã phải triển khai các biện pháp về phòng chống đối với người dân, với cộng đồng, với trường học…

“Tại sao Việt Nam lại dùng từ công bố trong khi các nước dùng từ thông báo. Điều này diễn ra trong bối cảnh Quốc hội thông qua Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm có quy định rằng công bố dịch thì ở mức độ cao hơn,” ông Long nhấn mạnh.

Vị Thứ trưởng này giải thích, khi công bố dịch, đối với những tỉnh, thành phố vượt quá tầm kiểm soát về một dịch bệnh, có biến đổi về độc lực, cần thiết phải áp dụng các biện pháp về mặt hành chính ở mức độ cao hơn như hạn chế giao thông đi lại, đóng cửa trường học, hạn chế hội họp, hạn chế họp chợ… cưỡng chế về mặt cách ly (tức là lúc đó không thể nào khuyến cáo về mặt cách ly). Khi đó, ngành y tế mới có một tình trạng cao hơn là thông báo tình trạng khẩn cấp khi mất tầm kiểm soát.

Thông tin cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến ngày 18/4 ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi. Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắcxin sởi.

Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur hiện nay các chủng virus sởi gây bệnh tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của virus sởi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục