Thứ trưởng Bộ KH-ĐT thông tin về giải ngân vốn đầu tư công chậm

Thứ trưởng Trần Quốc Phương mong muốn các bộ ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công để tránh tình trạng dồn dập.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo Chính phủ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trả lời báo chí về tình trạng giải ngân đang chậm trễ, cản trở tốc độ phục hồi kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tính đến ngày 31/10, giải ngân của cả nước ước đạt khoảng 298.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm ngoái. Tuy nhiên, con số tỷ lệ phần trăm có thấp hơn so với năm ngoái, là 51,34%.

Cũng theo ông Phương, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có nêu các cơ quan giải ngân cao để Thủ tướng, Phó Thủ tướng biểu dương, cũng có cơ quan giải ngân thấp. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan.

“Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng để thúc đẩy giải ngân. Do vậy, các giải pháp mới không còn nhiều. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo với Chính phủ kiến nghị mấy nhóm giải pháp để tích cực hơn, thực hiện quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm. Hy vọng chúng ta có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm 31/1/2023,” ông Phương chia sẻ.

Cũng theo ông Phương, giải pháp từ nay đến cuối năm sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của Chính phủ. Điển hình là các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, cộng với các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 19/CT-TTg, qua các lần họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, cũng như thông qua các tổ công tác của Chính phủ đi làm việc với các bộ ngành, địa phương.

Thứ hai, nhiệm vụ rất lớn đối với các bộ ngành, địa phương là phải đôn đốc các chủ đầu tư cũng như các ban quản lý dự án và đặc biệt các nhà thầu phải thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân được. Không thể giải ngân vốn từ Kho bạc mà không có khối lượng đi kèm. Do vậy, công tác thực hiện từ nay đến cuối năm rất quan trọng, làm sao có được khối lượng tương đối lớn để chúng ta có thể giải ngân được số tiền còn lại của năm 2022.

Vấn đề thứ ba cũng rất quan trọng là thực hiện ở các bộ ngành, địa phương. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đối tượng như chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu để làm sao đạt được kết quả thực hiện tốt.

Ông Phương mong muốn các bộ ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công để tránh tình trạng dồn dập, như rơi vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1/2023, cần giải ngân đồng loạt ở nhiều bộ ngành, nhiều chủ đầu tư, nhiều ban quản lý dự án. Lúc đấy sự phục vụ của hệ thống Kho bạc cũng như hệ thống hành chính rất vất vả và có thể nghẽn mạng, rất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Cuối cùng, theo ông Phương đó là công tác chuẩn bị vì bước vào năm 2023, kế hoạch ngân sách và đầu tư công đã trình ra Quốc hội với lượng vốn năm 2023 cao hơn năm 2022 hơn 100.000  tỷ đồng. Vì vậy áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn. “Do vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023 chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay. Đây là điều tốt nhất để giảm nhẹ gánh nặng cũng như sức ép của thời điểm cuối năm,” ông Phương nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục