Thông tin tại phiên họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 6/7, tại Hà Nội, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.
Đối với kỳ vọng 6 tháng cuối năm 2024, ông Phương cho biết, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, lạc quan về thu hút FDI của Việt Nam nhờ vào 3 yếu tố, gồm: Chiến lược đa dạng hoá cung ứng đầu tư; Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng, tác động tích cực đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư và ba là yếu tố nền tảng.
“Mặc dù gặp rất nhiều biến động từ các yếu tố bên ngoài, tuy nhiên chỉ số CPI của Việt Nam vẫn duy trì dưới mức 4% - đạt mục tiêu Quốc hội đề ra,” ông Phương nói.
Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Nhiều chỉ dấu tích cực
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và chính sách nới lỏng.
Cũng theo ông Phương, qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào nước ta. “Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39-40 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023,” ông Phương nói.
Thông tin về mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc lại, tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm rất tích cực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 2 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01 (6%).
Ông Phương nhấn mạnh, cộng đồng và xã hội rất kỳ vọng kết quả tăng trưởng cuối năm tốt đẹp hơn. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng trình Chính phủ, trong đó Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng quý 3 là 6,5%, quý 4 là 6,6% (kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 6,7% và 7%); và Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý 3 là 7,4%, quý 4 là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 0,7% và 0,6%.
Ông Phương cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%. “Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trên nếu khắc phục được những hạn chế, bất cập và nhờ vào 6 yếu tố,” ông Phương nói.
Trong đó, 6 yếu tố được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra gồm: Xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; Đầu tư tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; Duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản...
Bên cạnh đó, du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế (hơn 8 triệu khách trong 6 tháng đầu năm). Các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực. “Các Luật Đất đai, Kinh doanh Bất động sản, Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn,” ông Phương nói.
Yếu tố cuối cùng là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh Bình Dương... Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn, sẽ giúp tăng trưởng cả nước vượt 6,5%./.