Đánh giá cao sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đưa ra câu hỏi "bao giờ mới trở thành doanh nghiệp lớn và vừa, hoặc cực lớn?".
Bài toán trên được ông An nêu lên tại "Hội nghị triển khai kế hoạch và phát động phong trào thi đua của ngành công thương năm 2019," do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chiều 4/1.
[Dấu ấn 2018: Xuất siêu đạt kỷ lục, vượt qua con số 7 tỷ USD]
Tính ổn định sản phẩm còn kém
Ở tầm vĩ mô, ông An đưa ra một bức tranh toàn diện của cả nước khi năm 2018 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã có sự "đảo chiều," tăng nhanh hơn so với doanh nghiệp FDI.
Tuy vậy, ông nhấn mạnh, dù đạt được thành tích trên nhưng xét về tỷ trọng tuyệt đối, doanh nghiệp nội lại chưa bằng một nửa sự đóng góp của khối ngoại.
Từ thực tế này, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đặt câu hỏi "bao giờ doanh nghiệp nội mới bứt lên đột phá, cụ thể là khối doanh nghiệp công nghiệp tăng mạnh xuất khẩu cũng như tăng tỷ trọng xuất khẩu lên?"
Đưa thêm ví dụ, ông An nói, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất công nghiệp tại Việt Nam nhưng thực tế lại có ít các doanh nghiệp nội đủ trình độ để cung cấp linh kiện cho họ.
"Chúng ta có thể sản xuất được bất cứ cái gì nhưng để sản xuất 1 triệu sản phẩm giống hệt nhau là khó, tức là sự ổn định sản phẩm đảm bảo sản phẩm tiêu chuẩn nghiêm ngặt là khó. Trong khi đó, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm còn khiêm tốn, cùng với đó trình độ nhân lực ngành công nghệ còn hạn chế," lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định.
Do vậy, ông An đề nghị ngành công thương Hà Nội cần đề ra giải pháp để hướng dẫn, thúc đẩy doanh nghiệp và xử lý những tồn tại.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, muốn phát triển bền vững, ngành công thương cần chọn được mặt hàng chủ lực để phát triển cũng như có giải pháp để giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông An cũng lưu ý đến trách nhiệm của doanh nghiệp. Theo ông, "Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Công Thương có thể đưa ra rất nhiều định hướng, song doanh nghiệp không tham gia và không có ý định tham gia thì rất khó thành công. Bởi lẽ, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, xuất khẩu, tìm thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ mang tính trợ giúp."
Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, từ khi trở thành doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực do Sở Công Thương chủ trì, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã tăng được năng suất lao động, hơn nữa là tăng số lượng tham gia vào chuỗi giá trị liên kết.
Ông Quốc Anh cho rằng, một Chương trình hết sức cụ thể là lãnh đạo Sở Công Thương tiếp cận hỗ trợ các doanh nghiệp theo các chuyên đề, lĩnh vực đó là các hoạt động về an toàn thực phẩm, công nghệ cao...
Chính vì vậy, đến năm 2018, hơn 100 doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội đã có một kênh đối thoại cụ thể và hiệu quả với Sở Công Thương.
"Thông qua các chương trình như vậy, các doanh nghiệp đã mạnh dạn kiến nghị, đề xuất các thủ tục hành chính, các điều kiện cần phải cắt giảm... Và, lĩnh vực nào hợp lý, thì trực tiếp lãnh đạo Sở Công Thương sẽ giải đáp và tìm giải pháp cụ thể để giúp đỡ các doanh nghiệp, còn kiến nghị nào vượt thẩm quyền thì Sở Công Thương cũng có văn bản kiến nghị," ông Mạc Quốc Anh cho hay.
Sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ gia tăng
Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 22 Trung tâm thương mại, bao gồm 10 Trung tâm thương mại hạng 1 và 1 Trung tâm thương mại hạng 2, còn lại là 11 Trung tâm thương mại hạng 3. Ngoài ra, thành phố còn có 134 siêu thị và 454 chợ truyền thống…
Tuy vậy, các Trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là phục vụ bán lẻ và văn phòng cho thuê, trong khi phân bố chưa đồng đều và thiếu hợp lý về khoảng cách, bán kính, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành.
Trong khi về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn thành phố cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là năng lực tài chính, công nghệ, quản trị và marketing còn kém so với doanh nghiệp FDI.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo vốn đăng ký, trên địa bàn thành phố có 5 doanh nghiệp FDI đang sở hữu 5 Trung tâm thương mại và 16 siêu thị.
Nếu nói về tỷ lệ thì khối ngoại chỉ chiếm 22,7% số lượng Trung tâm thương mại và 12% số lượng siêu thị, song xét về thị phần thì khối ngoại đang chiếm tỷ trọng rất lớn và tỷ trọng này ngàng càng tăng.
Đáng chú ý, hầu hết các tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ của thế giới đều có mặt tại Hà Nội, đơn cử Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị BigC Thăng Long, Công ty Mega Market Việt Nam, Tập đoàn Aeon, Tập đoàn Lotte, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Marfour và ngày càng có xu hướng mở rộng thị phần
"Với chiến lược kinh doanh dài hạn, chấp nhận lỗ, liên tục mở các chuỗi cơ sở bán lẻ mới, gây áp lực cạnh tranh đến doanh nghiệp phân phối trong nước," lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội nói.
- Biểu đồ thị phần trong linh vực bán lẻ trên địa bàn Hà Nội:
Lưu ý thêm lĩnh vực thương mại, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, Sở Công Thương Hà Nội đang làm rất nhiều mô hình mẫu, cửa hàng mẫu đối với thực phẩm, rau sạch và hoa quả... song thói quen mua sắm của nhiều người dân trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều điều phải lưu tâm.
Chỉ đơn cử việc mua bán tại nhiều chợ cóc, chợ tạm, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng sẽ liên quan trực tiếp đến việc kiểm soát An toàn thực phẩm hay rau không sạch.
"Chúng ta có thể kiểm soát tốt những điểm mua bán tập trung nhưng chợ cóc, chợ tạm thì khó, do vậy cần tuyên truyền để nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân," Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý thêm./.