Thu trái ngọt sau hành trình 20 năm cõng cây vải thiều lên núi

Sau 20 năm gắn bó với cây vải thiều, năm nay, vườn vải trên núi cao gia đình bà Trần Thị Hương, Lục Ngạn, Bắc Giang đã cho "trái ngọt" khi lần đầu xuất khẩu được sang thị trường Nhật Bản.

Những ngày này, đến với Lục Ngạn–nơi được mệnh danh là “thủ phủ của trái vải thiều”, dưới những tán vải xanh mướt là những nụ cười “như được mùa” của bà con nông dân. Năm nay, nụ cười ấy tươi hơn rất nhiều, bởi lẽ đây là năm đầu tiên Lục Ngạn có diện tích vải đại tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Bà Trần Thị Hương, chủ của 3ha vải ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn cho biết: “Năm ngoái, không xuất khẩu được đi nước ngoài bao nhiêu, chủ yếu nhà tôi chỉ xuất được sang Trung Quốc. Năm nay thì khác, chúng vải của chúng tôi đã đạt chất lượng để xuất sang thị trường Nhật Bản. Năm ngoái, sản lượng gia đình tôi đạt tất cả là hơn 30 tấn, bán giá thấp nhất là hơn 20.000 đồng/1kg, cao nhất là 35.000 đồng/kg. Năm nay tôi chưa ước được sản lượng là bao nhiêu, nhưng giá trị thì chắc chắn sẽ cao hơn năm ngoái.”

Mặc dù đã gắn bó với cây vải hơn 20 năm nhưng việc canh tác theo chuẩn GlobalGap để đạt chất lượng vào Nhật Bản vẫn khiến cho những gia đình như gia đình chị Hương gặp nhiều bỡ ngỡ. Thời gian, công sức và cả tiền của phải tiêu tốn vào những gốc vải tăng lên rất nhiều.

“Kỹ thuật năm nay phải làm khác với mọi năm rất nhiều. Nếu như trước kia chỉ cần dọn cỏ rồi bón phân ở trên mặt đất, thì giờ đây phải tiến hành cuốc hố. Cứ 1 người cuốc hố bón phân, một người lại đi đằng sau để lấp. Về phun thuốc, mọi năm chúng tôi cứ làm liều, khi nào nhìn thấy có sâu là phun thuốc. Bây giờ thì không được phun bừa bãi như thế nữa, phải đúng ngày, đúng giờ, đúng quy định của phía đối tác. Vườn rộng như thế này, nhà tôi cũng không tự làm hết được, phải đi thuê. Nếu như trước đây thuê người làm chỉ mất khoảng 3 triệu, thì bây giờ phải mất cả chục triệu. Tuy là vất vả, tốn kém nhưng bù lại chúng tôi rất vui vì quả vải ra vừa sai lại vừa đẹp mã.” Bà Hương tự hào chia sẻ.

Nhìn những ngọn đồi được phủ kín bằng thảm vải xanh, chấm phá những nét đỏ vàng của những trái vải đang chờ ngày thu hoạch, ít ai có thể hình dung ra, trước đây vùng này hoàn toàn chỉ là đồi hoang, núi trọc. Sự trù phú, màu mỡ của hiện tại phải đánh đổi bằng không ít mồ hôi, công sức của quá khứ.

Kể về những ngày đầu tiên, Bà Hương nghẹn ngào: “Nhà tôi bắt đầu vượt núi lên đây từ năm 2000. Vùng này trước kia là vùng đồi hoang, núi trọc, lên đây chúng tôi phải phát hết cây dại đi, với những cây to thì phải đánh gốc, rất vất vả. Bấy giờ đường đi không có, lấy cây vải giống từ miền xuôi, hai vợ chồng tôi phải dùng xe trâu, xe bò kéo lên đến chân núi, rồi lại tiếp tục dùng đòn gánh, gánh từng cây lên trồng. Đến năm 2003 thì mới xong toàn bộ công đoạn của vườn vải này, tổng cộng được 1.000 gốc vải.

Có người đã định giá đồi vải của gia đình chị Hương lên con số hàng tỉ đồng. Đó là một số tiền lớn nhất là với những người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời ở vùng quê hiểm trở này. Thế nhưng, chị đã nhiều lần từ chối.

“Cây vải bây giờ có khác gì đứa con mình đâu? Gắn bó với nó 20 năm rồi, làm sao mà khác được. Có cho tiền tấn nhà tôi cũng không bao giờ bán đi” chị Hương chia sẻ.

Có thể nói, cây vải đã gắn bó với cuộc sống của người dân Lục Ngạn sâu sắc như cái cách mà nó gắn chặt với từng ngọn đồi nơi đây vậy./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục