Tết vô bổ và lãng xẹt

Thú tiêu khiển “lãng xẹt” của nhiều bạn trẻ dịp Tết

Tết là ngày sum họp,  nhưng có một bộ phận giới trẻ có thể "đốt" vài chục triệu đồng vào những tiêu khiển vô bổ, xa rời gia đình mình.
Tết này, nhiều người nghèo còn phải ngược xuôi cũng không có đủ tiền lo Tết. Nhưng ngược lại, một bộ phận giới trẻ có thể "đốt" vài chục triệu đồng trong vài ngày chỉ để "chúc mừng năm mới".

Sống thực và sống ảo

Quang Khánh, sinh viên Đại học Xây dựng, bố mất sớm, mẹ Khánh một thân một mình nuôi cậu khôn lớn. Vì thương cậu thiệt thòi khi ngôi nhà sớm mất đi trụ cột, mẹ Khánh càng thương yêu, bù đắp cho Khánh.

Lấy cớ đi chúc Tết thầy cô dịp Tết, Khánh đã tranh thủ "moi" được từ túi của mẹ mình gần trăm triệu đồng. Cầm tiền trong tay Khánh đã lên kế hoạch chơi Tết hoành tráng của mình và lên bar say sưa trong điệu nhạc là cái thú của cậu.

"Tết có làm gì đâu chẳng lên bar cho vui. Nhạc hay, rượu ngon, gái đẹp," Khánh nói.

Khi được hỏi chi phí mỗi lần đi của Khánh, cậu cho biết khoảng trên dưới hai chục triệu một tối là ít. Trong mỗi cuộc vui lại là một cuộc đua với những bạn đồng trang lứa cũng cùng hoàn cảnh "thiệt thòi" như Khánh xem độ chơi của ai hơn.

Tết đến, Khánh tập hợp các anh em xã hội của mình để đi "đú" với nhau. Xuân này tiêu "khủng" hơn Xuân trước. Hơn 20 tuổi, là sinh viên Đại học Xây dựng, thay vì dùng trí tuệ và sức trẻ để đỡ đần bà mẹ đơn thân của mình thì cậu lại chỉ biết tiêu tiền một cách vô bổ.

Hoàn cảnh khác như Chí Trung, sinh viên Đại học Thăng Long lại vùi đầu vào game online trong khi bạn bè cùng lớp thì về quê, đi du lịch... tung tăng khắp nơi chào Xuân.

Là con một trong nhà, bố mẹ đều qua tuổi 40 mới sinh được cậu nên mọi tình cảm đều dồn hết cho "cục cưng". Nhưng cũng chính vì được yêu thương quá mà cậu như con nhộng chưa thoát ra được cái kén.

Không sành sỏi chuyện đời như Khánh, Trung còn ngờ nghệch vì ít đi ra ngoài giao lưu với bạn bè. Thế giới của cậu là ảo, cả mùa tết, Trung chỉ vùi đầu vào game online.

Bố mẹ Trung mừng vì con mình rất "lành", không như con nhà người ta chơi bời trác táng nên ông bà cho không tiếc tiền cho con. Nhưng ai ngờ, Trung lại là một tay chơi trên thế giới ảo.

Số tiền mà Trung nướng vào thế giới ảo chỉ tính riêng dịp Tết này gần trăm triệu, nghe mà ai cũng phải giật mình.

"Tết đến, mừng tuổi cho các 'huynh đệ, nương tử', sắm quần áo mới, mua đồ trang trí nhà cửa... phải tươm tất chứ", Trung nói.

Đừng lãng phí tuổi Xuân

Khánh và Trung chỉ là một trong số những bạn trẻ đang tự làm lãng phí tuổi Xuân của mình.

Đối với Khánh thú chơi thâu đêm, suốt sáng, tiêu tiền không phải do mình làm ra nhưng lại sĩ diện với bạn bè. Rồi đến lúc Khánh nhận ra bạn thì ít mà bè thì nhiều, họ đều sẵn sàng quay lưng lại với Khánh.

"Có tiền mời chúng nó đi thì nhanh lắm, lúc hết tiền rồi gọi không đứa nào thưa", Khánh cay đắng.

Quan trọng hơn, trong khi Khánh đang mải miết nhảy trong ánh đèn mờ nhấp nhoáng, mẹ Khánh vẫn đang tần tảo lo Tết và đón Xuân một thân một mình.

Còn Trung, cậu ngày càng trở nên xa lạ với mọi người xung quanh mình, không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là ảo. Trung còn không buồn quan tâm đến Tết này gia đình cậu sẽ làm những gì, đi những đâu mà chỉ ở nhà nằm ôm lấy chiếc máy tính vô tri. Bố mẹ Trung lại mang thêm nỗi phiền muộn đầu năm mới vì những biểu hiện của con trai mình.

Không chỉ Khánh và Trung, một số bạn trẻ còn đón Tết bằng những cuộc cá độ, bằng trò đỏ đen... dù chưa làm ra tiền. Cuối cùng, Tết vui đâu chẳng thấy mà hậu quả là các bậc phụ huynh chỉ thêm lo lắng về lối sống của con em mình.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, trong quá trình hội nhập hiện nay, giới trẻ được tiếp nhận nhiều luồng văn hóa ngoại xâm một cách dễ dàng và khó kiểm soát được, như những trò game online, phim ảnh mang văn hoá nước ngoài...

Mặt khác, nhiều bậc phụ huynh quá yêu chiều con cái dẫn đến giới trẻ nghĩ rằng mình là trung tâm của gia đình, muốn gì được nấy, luôn được thỏa mãn. Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi để giải quyết những vấn đề này là phải giáo dục con trẻ hoàn thiện về đạo đức, lối sống và lương tâm xã hội.

Và ngày Tết, thắp hương tổ tiên, đi thăm ông bà họ hàng, sum họp gia đình chính là thời điểm để các bạn trẻ đang xa rời gia đình, sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với cuộc sống ảo, phù phiếm nhìn lại mình và biết dừng lại để sống có ích với cộng đồng, có trách nhiệm với bản thân và tình yêu thương với gia đình./.

Quỳnh Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục