Liên quan đến thông tin "thu thuế đối với loại hình dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, Internet, may đo, giặt là, cắt tóc... bắt đầu từ ngày 1/8 tới đây," Tổng cục Thuế khẳng định hoạt động thu thuế đối với các loại hình dịch vụ trên là không mới và đã được áp dụng từ năm 2015.
Các dịch vụ làm đẹp ‘mang về’ hút khách trong mùa dịch COVID-19
Để làm rõ hơn về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết theo quy định tại điểm 2 Phụ lục 01-Danh mục ngành nghề tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % trên doanh thu (đối với cá nhân kinh doanh) ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính: “Mức thuế giá trị gia tăng là 5% và thuế thuế thu nhập cá nhân 2% áp dụng đối với hộ và cá nhân kinh doanh các dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, Internet, may đo, giặt là, cắt tóc,...” và đã được áp dụng ổn định từ năm 2015 đến nay, theo hướng dẫn tại Thông tư 40/2021/TT-BTC không có sửa đổi nội dung này.
Do đó, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực này nếu đã được cơ quan thuế thông báo mức thuế khoán từ đầu năm, song trong năm có ngừng, tạm ngừng hoặc bị ảnh hưởng sụt giảm doanh thu do dịch bệnh COVID-19 thì cơ quan thuế sẽ thực hiện điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán theo thực tế.
Ngoài ra, Thông tư số 40/2021/TT-BTC cũng hướng dẫn cụ thể về việc cơ quan thuế có trách nhiệm điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán trong trường hợp hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà không yêu cầu hộ kinh doanh thực hiện nhiều thủ tục hành chính như quy định trước đây tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Cụ thể tại điểm b.5 khoản 4 Điều 13 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan thuế căn cứ văn bản yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh mức thuế khoán theo thực tế cho thời gian yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh”./.