Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày càng lan rộng trên toàn thế giới và cả Ấn Độ, các nhà kinh tế học đã cảnh báo về những tác động tiêu cực mà dịch bệnh này có thể gây ra cho nền kinh tế quốc gia Nam Á này.
Trong hai tuần qua, Ấn Độ đã xác nhận hơn 160 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 (tính đến sáng 19/3), trong đó có 3 trường hợp tử vong. Nhiều bang đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, phòng tập gym, bể bơi… và yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà khi có thể.
Ngoài ra, nhiều sự kiện như Giải ngoại hạng cricket Ấn Độ (IPL) cũng như nhiều dự án sản xuất phim đã bị hoãn vô thời hạn. Ngay cả những ngôi đền như đền Siddhivinayak nổi tiếng ở Mumbai, đã bị đóng cửa. Với việc các doanh nghiệp vốn là trụ cột kinh tế của Mumbai ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế của thủ phủ tài chính và thương mại của Ấn Độ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
[Dịch COVID-19: Philippines, Ấn Độ thông báo thêm ca tử vong mới]
Mumbai đóng góp khoảng 5% tổng GDP của Ấn Độ. Trong đó, dịch vụ cấu thành một bộ phận quan trọng với doanh thu hàng năm vào khoảng 53,5 tỷ USD. Theo một thông tin trên tờ Indian Express, việc đình trệ thậm chí một nửa ngành dịch vụ có thể dẫn đến thiệt hại khoảng 2,1 tỷ USD mỗi tháng.
Tờ báo cho rằng khi tình hình dịch bệnh lan rộng trong 7 ngày qua, các nhà kinh tế học đã ước tính tổn thất kinh doanh trị giá 535 triệu USD trong thành phố.
Trong số các doanh nghiệp, ngành du lịch và khách sạn dường như bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Liên đoàn khách sạn và nhà hàng Ấn Độ tuyên bố lượng khách tại các nhà hàng đã giảm hơn 40%.
Với du lịch, Mumbai đón khoảng 2 triệu lượt du khách nước ngoài mỗi năm, trong đó gần 40% đến trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Sáu. Một báo cáo của Mastercard ước tính tổng chi tiêu hàng năm của những khách du lịch này vào khoảng 3,6 tỷ USD. Điều này có nghĩa việc "chặn" dòng khách du lịch quốc tế sẽ dẫn đến mất thu nhập 293 triệu USD/tháng. Thiệt hại này sẽ được cảm nhận rõ bởi các hãng hàng không, khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng…
Bên cạnh đó, khu vực kinh doanh nhỏ lẻ cũng phải đối mặt với tình trạng khó khăn do những biện pháp hạn chế được áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ông Zahid Khan, thành viên Hiệp hội phúc lợi doanh nhân Dharavi, cho biết, 90% các doanh nghiệp hoạt động ở Dharavi đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Dịch bệnh bùng phát đã làm tiêu tan mọi hy vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Các nhà kinh tế học đã cảnh báo rằng suy thoái không chỉ ảnh hưởng đến các chủ doanh nghiệp mà còn làm tổn thương những người làm công ăn lương hàng ngày. Tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu mọi việc vẫn tiếp diễn trong vài tuần tới, và thật khó để kinh tế Mumbai có thể xoay chuyển tình thế nếu không có các biện pháp kích thích của chính quyền./.