'Thủ phủ' đồ gỗ Bình Dương đang tăng tốc phục hồi sản xuất

Ngành sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam phấn đấu mục tiêu xuất khẩu cán mốc 18 tỷ USD, trong đó “thủ phủ” đồ gỗ Bình Dương phấn đấu chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), trong 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương, mặt hàng đồ gỗ tiếp tục dẫn đầu và được đánh giá ngành hàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu nhanh nhất, hiện mỗi tháng đạt kim ngạch bình quân vượt hơn 500 triệu USD.

Năm nay, ngành sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam phấn đấu mục tiêu xuất khẩu cán mốc 18 tỷ USD, trong đó “thủ phủ” đồ gỗ Bình Dương phấn đấu chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thích ứng nhanh

Theo Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) Nguyễn Liêm, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc trở lại. Hiện các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu năm, nên đến nay hầu hết doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm dồi dào phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ngay trong những tháng đầu của năm 2022.

[Xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho ngành gỗ Việt Nam]

Tín hiệu đáng mừng, ngành chế biến đồ gỗ cơ bản đã thích nghi với tình hình mới, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Sản xuất ngành gỗ đã có thêm nhiều điểm sáng khi số lượng doanh nghiệp phục hồi tăng nhanh, chỉ số xuất khẩu khá cao trong những tháng đầu năm 2022.

Các doanh nghiệp thông qua giao dịch bán hàng thương mại điện tử để gia tăng đơn hàng xuất khẩu.

“Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh và những diễn biến của thị trường, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã nhanh chóng trở lại khôi phục sản xuất, kịp thời đáp ứng các đơn hàng tồn đọng. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp đều đã kín đơn hàng đến hết quý 3/2022; trong đó một số doanh nghiệp chốt xong đơn hàng hết năm 2022,” ông Liêm cho hay.

Còn theo bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Gỗ Minh Dương (thành phố Thuận An), cho biết hiện đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của công ty đã kín đến hết quý 3, đơn hàng mới quý 4 đang hối thúc tiếp theo. Tuy nhiên, lo lắng của doanh nghiệp hiện tại là chi phí bị đội lên rất cao; trong đó dịch vụ phí xuất khẩu tăng chóng mặt. Cụ thể, mỗi container xuất sang châu Âu đóng phí từ 6.000-8.000 USD, còn xuất sang Mỹ là 10.000-12.000 USD.

“Chi phí sản xuất và xuất khẩu liên tục tăng đã tạo áp lực cho doanh nghiệp trong việc đàm phán nhận các đơn hàng mới trong quý cuối năm gắn với thách thức và rủi ro khá cao,” bà Tuệ lo ngại.

Trong khi đó, ngành sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam phấn đấu mục tiêu năm 2022 xuất khẩu toàn ngành đạt 18 tỷ USD; trong đó thủ phủ Bình Dương chiếm gần 50% do hội tụ hơn 1.200 doanh nghiệp chủ lực đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Năm ngoái (2021), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,21 tỷ USD tăng 17,6%; trong đó Bình Dương là địa phương dẫn đầu với giá trị đạt 6,12 tỷ USD, chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tích cực tuyển nhân công

Giám đốc Công ty Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) Đỗ Thị Kim Loan cho biết, trước việc các nhà máy sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ tăng nhanh trong thời gian gần đây, nên các nhà máy đều chạy đua tuyển nhân công để đáp ứng kịp đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp đưa ra những chính sách ưu đãi về tiền lương rất lớn để thu hút nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho mục tiêu phục hồi sản xuất.

Sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

“Trong khi đó, nhờ tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, các nhà nhập khẩu, đối tác tại thị trường châu Âu và Mỹ an tâm với đơn hàng sản xuất tại Việt Nam nên dồn dập đặt hàng với số lượng lớn; qua đó các doanh nghiệp hầu hết đang thiếu nguồn lao động cho lĩnh vực này,” bà Loan cho biết thêm.

Ghi nhận tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn IMITI cần tuyến nhân sự cho lĩnh vực quản lý chất lượng với mức lượng từ 15-25 triệu đồng/tháng; Công ty Gỗ Trường Thành tuyển nhân viên bán hàng với lương 10 triệu đồng/tháng. Hàng loạt các công ty gỗ khác đều cần tuyển lao động  phổ thông từ 10-15 triệu đồng/tháng…

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, cho biết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Trong đó số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động năm 2022 đang cần rất lớn lao động, hiện nhu cầu cần tuyển thêm khoảng 54.000 lao động tập trung vào các ngành chế biến đồ gỗ, may mặc và điện tử…

Thủ phủ Bình Dương hiện có 1.215 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Riêng doanh nghiệp trong nước có 905 doanh nghiệp, cùng với đó có 310 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD.

Ngành chế biến gỗ là một ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tỉnh.

Cụ thể, riêng năm 2021, xuất khẩu ngành gỗ chiếm tỷ trọng 18,6% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh Bình Dương gồm 31,5 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục