Thủ phủ điều Bình Phước và "giấc mơ" về chuẩn organic châu Âu

Để nâng giá trị cho thương hiệu sản phẩm hạt điều Bình Phước, người nông dân đang từng bước thay đổi phương pháp canh tác, đáp ứng theo các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của những thị trường khó tính.
Người dân thu hái, bán điều tại huyện biên giới Bù Gia Mập. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
Người dân thu hái, bán điều tại huyện biên giới Bù Gia Mập. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Với diện tích 175.000 ha, Bình Phước được xem là “thủ phủ” điều của cả nước, đây cũng là vùng đất được đánh giá là có chất lượng hạt điều “ngon nhất thế giới.”

Để nâng giá trị cho thương hiệu sản phẩm hạt điều Bình Phước, người nông dân nơi đây đang từng bước thay đổi phương pháp canh tác, đáp ứng theo các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ để đưa sản phẩm điều Bình Phước vươn tầm thế giới.

Theo đuổi giấc mơ điều organic

Ông Dụng Quý Đông, một nông dân có thâm niên gần 40 năm trong trồng cây nông nghiệp tại vùng đất Sông Bé, Bình Phước cho biết sau thành công với các trang trại trồng sầu riêng, bưởi da xanh, ông Đông vẫn trăn trở với trái điều ở vùng đất vốn được xem là “thủ phủ” này.

“Muốn tạo giá trị gia tăng cao cho trái điều thì không có con đường nào khác ngoài con đường áp dụng các tiêu chuẩn canh tác hữu cơ organic để có thể đưa sản phẩm xuất khẩu qua thị trường tiềm năng như Mỹ, châu Âu, mong muốn của tôi là với 1ha điều canh tác theo tiêu chuẩn organic mỗi năm có thể thu về 10.000 USD,” ông Đông cho biết.

Để theo đuổi giấc mơ điều organic, năm 2017 ông Đông đã bắt tay vào canh tác hữu cơ. Với quy trình gắt gao do các cơ quan châu Âu giám sát, từ khâu làm đất, giống điều, quy trình chăm sóc, chất lượng hạt… sau 2 năm, ông Đông được cấp chứng nhận canh tác hữu cơ đạt tiêu chuẩn của Mỹ và EU.

[Không để mất thương hiệu “hạt điều của Bình Phước”]

“Tháng 9/2020, tôi đã chính thức cầm 2 chứng nhận canh tác organic theo thiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, đã được cấp 'mã code' nông dân toàn cầu. Công việc hiện nay của tôi là nhân rộng và phát triển diện tích điều organic để thu lợi nhuận," ông Đông vui mừng cho biết.

Đến thăm vườn điều với diện tích 20ha của ông Dụng Quý Đông tại xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (Bình Phước), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi vườn cây “mười cây như một.” Một tấm biển được cắm ngay giữa khu vườn với những thông tin: giống điều NP1, số cây 5.100 cây, ngày trồng 20/5/2018.

“Hiện nay, tổng diện tích trồng điều của tôi là 420ha; trong đó, có 200ha đã được chứng nhận organic theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. Những vườn điều organic được trồng ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) và huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Riêng vườn điều tại huyện Phú Giáo đã bắt đầu cho thu hoạch,” ông Đông cho biết.

Theo ông Đông, với phương pháp trồng theo tiêu chuẩn organic và giống đều canh tác hiện nay, sản lượng đạt trên 3 tấn/ha. Trong khi sản lượng điều canh tác bình thường theo phương pháp truyền thống của người dân đang trồng chỉ đạt khoảng 1-1,5 tấn/ha.

“Quy trình để được châu Âu đánh giá vườn điều đạt tiêu chuẩn organic trong vòng 20-24 tháng. Quan trọng nhất, đó là canh tác thiên về môi trường thiên nhiên, nghĩa là để cây tự sinh trưởng và tuyệt đối không bơm thuốc thuốc sâu, thuốc rầy và hạn chế thuốc diệt cỏ. Ngoài ra, cách các cơ quan châu Âu đánh giá thực tế tại vườn đó là đất canh tác phải tơi xốp, vườn cây phải có các loại côn trùng khác như kiến vàng hay ong làm tổ. Đây là một trong những điều kiện mà cơ quan châu Âu thường để ý đến,” ông Đông chia sẻ.

Nói không với thuốc trừ sâu

Theo ông Đông, quy trình làm đất đối với vườn điều ogarnic khá đơn giản, khi làm đất, người nông dân cần bón nhiều phân hữu cơ để tạo dinh dưỡng ban đầu, giúp đất tơi xốp. Sau đó để vườn điều phát triển bình thường, không bón thêm phân hóa học.

Đặc biệt, trong quá trình sinh trưởng của cây phải “nói không” với thuốc trừ sâu. Mục đích hướng tới đó là một nền nông nghiệp không sử dụng thuốc trừ sâu.

Thủ phủ điều Bình Phước và "giấc mơ" về chuẩn organic châu Âu ảnh 1Phân loại hạt điều tại nhà máy của Xí nghiệp chế biến điều và nông sản thực phẩm Bình Phước (Tổng công ty Rau quả, Nông sản). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Trước đây với phương pháp canh tác truyền thống, vườn điều 20 ha, mỗi năm ông Đông phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để mua thuốc sâu xịt cho cây.

Cứ 15 ngày phải xịt thuốc sâu mọt lần. Trong khi đó, từ khi chuyển qua canh tác điều organic từ 2018 đến nay, 420ha điều của ông Đông không tốn một đồng thuốc trừ sâu nào.

Theo ông Đông, trong thiên nhiên, có những loài thiên địch có lợi và có hại. Trong khi nếu sử dụng thuốc trừ sâu, vườn cây sẽ có những thiên địch có hại và dần dần những thiên địch có hại sẽ dần làm quen và thích nghi với thuốc trừ sâu.

Do đó, nếu sau 15 ngày người nông dân không xịt lại thuốc trừ sâu thì những con thiên địch có hại này sẽ phát triển rất nhanh và phá hoại vườn cây.

Ông Đông cho rằng, hiện nay Việt Nam đã ký kết hiệp định EVFTA với châu Âu, do đó khi người nông dân không canh tác theo tiêu chuẩn của Châu Âu thì họ không tiêu thụ hàng hóa của mình.

“Đây cũng chính là động lực để tôi thực hiện tiêu chuẩn organic đối với vườn điều của mình. Với hơn 420 ha điều trồng theo tiêu chuẩn organic, hy vọng mỗi năm tôi sẽ thu về được nguồn ngoại tệ khoảng 4 triệu USD,” nông dân Dụng Quý Đông cho biết.

Canh tác hữu cơ là xu hướng tất yếu

Ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bù Gia Mập cho biết, hiện nay sản phẩm trái điều của Bình Phước đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm điều Bình Phước được đánh giá là có chất lượng tốt nhất thế giới.

Trong khi đó, hạt điều được trồng tại huyện Bù Gia Mập được xem là có chất lượng lượng tốt nhất của tỉnh Bình Phước.

Chính vì vấn đề này, đến mùa thu hoạch điều có tình trạng một số đối tượng chở hạt điều từ các huyện khác đến huyện Bù Gia Mập để bán với giá cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với điều ở các huyện khác.

Hiện nay huyện Bù Gia Mập có hơn 25.000 ha trồng điều, do đó việc hướng đến phương pháp canh tác điều hữu cơ sẽ là hướng đi cần thiết trong xu thế của thị trường thế giới hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước cho rằng, châu Âu là thị trường mới và khắt khe, do đó điều quan trọng là khi chúng ta làm ăn với doanh nghiệp châu Âu thì phải minh bạch về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hàng hóa, công bố chất lượng sản phẩm rõ ràng.

Điều quan trọng nhất đó là phải tạo được niềm tin đối với đối tác, người tiêu dùng. Khi niềm tin được khẳng định thì sản phẩm điều của Bình Phước sẽ phát triển mạnh hơn nữa tại thị trường EU.

Tại buổi đối thoại với 260 nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn mới đây, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, cho rằng giai đoạn hiện nay ngành điều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá xuống thấp.

Tuy nhiên, ngay trong khó khăn thì những sản phẩm hạt điều sạch, được cấp chứng nhận organic lại càng khẳng định được giá trị.

“Khó khăn cũng chính là cơ hội để người nông dân và những hợp tác xã sản xuất hạt điều sạch khẳng định được vai trò và vị thế trên thị trường,” ông Lợi đánh giá.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh phấn đấu đạt 800 triệu USD, đến năm 2025 là 900 triệu USD, đến năm 2030 sẽ đạt 1 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục