“Thủ phủ” cá Chép đỏ lớn nhất xứ Thanh hối hả vào vụ thu hoạch

Trên khắp các đường làng, ngõ xóm của thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, nhiều ôtô, xe máy của thương lái ra vào tấp nập thu mua cá mang đi phục vụ nhu cầu người dân.
Gia đình anh Đoàn Đình Tuyên, làng Bái Trúc, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương thu hoạch cá. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Chỉ còn một ngày nữa là đến 23 tháng Chạp - Tết ông Công, ông Táo. Vào ngày này, người dân thường cúng tiễn Táo quân bằng cá chép đỏ.

Vì vậy, tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa - nơi được xem là "thủ phủ" cá chép đỏ lớn nhất xứ Thanh, người dân đang hối hả bơm nước, tát ao, thả lưới thu hoạch cá.

Trên khắp các đường làng, ngõ xóm, nhiều ôtô, xe máy của thương lái ra vào tấp nập thu mua cá mang đi phục vụ nhu cầu người dân.

Với 2,7ha diện tích mặt nước nuôi cá giống và cá thương phẩm, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ cá chép đỏ của người tăng đột biến dịp cuối năm, do vậy hàng năm cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch, gia đình anh Nguyễn Trọng Chiến (làng Bái Trúc, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) bắt đầu thả cá chép đỏ để kịp tiêu thụ sau ba tháng chăm sóc. Để kịp cung ứng cá cho các thương lái, những ngày nay, gia đình anh Chiến phải huy động thêm hàng chục lao động hối hả bơm nước, tát ao, thả lưới để thu hoạch và phân loại cá.

Theo anh Chiến, năm nay do thời tiết bất lợi nên sản lượng cá giảm từ 20-30% so với năm 2020, tuy nhiên bù lại năm nay, giá cá có tăng hơn năm ngoái, nên người dân cũng có được nguồn thu nhập ổn định để trang trải dịp Tết. Năm nay, gia đình anh Chiến dự kiến xuất bán ra thị trường khoảng 2,5 tấn cá chép đỏ, với giá bán 120.000 đồng/kg cá, trừ chi phí gia đình cũng có để ra được một khoản để quay vòng sản xuất năm sau.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá, anh Chiến cho biết người dân sẽ tát ao thu hoạch cá trước khi xuất bán khoảng ba ngày. Sau khi thu hoạch, cá sẽ được chuyển vào các bể ximăng để thải ra ngoài hết lượng phân và thức ăn còn trong cơ thể, đồng thời làm cho cá quen với môi trường chật trội, ôxy thấp khi vận chuyển.

Cá chép đỏ đẹp, vừa ý, lúc xuất phải đạt tiêu chuẩn khoảng 30-40 con/kg. Muốn có cá tốt, khâu đầu tiên là phải chọn được cá bố mẹ khỏe. Với kinh nghiệm nuôi cá chép đỏ hàng chục năm nay, nên hàng năm cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch, các thương lái khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã đến đặt mua cá của gia đình.

Năm nay, gia đình anh Chiến, thị trấn Tân Phong, dự kiến xuất bán ra thị trường khoảng 2,5 tấn cá chép đỏ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Hối hả kéo những mẻ lưới cuối cùng để kịp thời đưa cá vào bể cho khách chọn, anh Đoàn Đình Tuyên (làng Bái Trúc, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) cho biết gia đình có truyền thống nuôi cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công, ông Táo hàng chục năm nay.

Tuy không phải là nghề mang lại thu nhập quá cao, nhưng so với các giống cá truyền thống, nuôi cá chép đỏ có nhiều ưu thế hơn như sức đề kháng tốt, ít mắc dịch bệnh, thức ăn đơn giản, ít tốn kém, thời gian nuôi ngắn nên nhanh cho thu hoạch. Năm nay, với hơn 1ha diện tích mặt nước nuôi cá chép đỏ, dự tính trừ mọi chi phí gia đình anh Tuyên thu về khoảng 40 triệu đồng tiền lãi.

[Làng cá chép Thủy Trầm thắng lớn trong lễ tiễn Táo quân về trời]

"Cứ vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch, các thương lái đã đặt hàng trước. Khách quen thì chỉ cần gọi điện báo số lượng, còn khách mới đến tận nhà để đặt hàng. Vào khoảng ngày 22 âm lịch, các thương lái mới bắt đầu đến lấy cá mang đi đổ sỉ, hoặc bán lẻ ở các chợ trên địa bàn. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên gia đình mất đi một số mối sỉ ở các tỉnh khác. Nhiều thương lái đã gọi điện đặt hàng nhưng không đến lấy do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, năm nay gia đình có thêm nhiều khách mua lẻ, nên đến thời điểm hiện tại, toàn bộ số cá trong ao đã bán hết…," anh Tuyên phấn khởi cho biết.

Cá chép đỏ tại Bái Trúc được đánh giá đều đẹp và khoảng từ 30-50 con/kg. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ Địa chính, nông nghiệp, thị trấn Tân Phong, Quảng Xương, thị trấn Tân Phong, hiện có hàng trăm hộ dân tham gia nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước khoảng 23ha; trong đó tập trung chủ yếu ở ba làng Bái Trúc, Tân Hậu, Tân Cổ. Do nhu cầu tiêu thụ cá chép đỏ của người dân vào 23 tháng Chạp, nên ba tháng cuối năm, cùng với nuôi cá giống, cá thịt, người dân nuôi thêm cá chép đỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Với giá bình quân từ 100.000-120.000 đồng/kg, nghề nuôi cá chép đỏ tại thị trấn Quảng Xương giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định trong dịp Tết. Để tạo điều kiện cho người dân giữ nghề và nâng cao thu nhập, những năm qua địa phương đã mở rộng thêm diện tích mặt nước, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, hàng năm, địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng cá cho năng suất cao, ít sâu bệnh. Năm 2020, địa phương đã mở được hai lớp với hàng trăm hộ dân tham gia.

"Từ hiệu quả kinh tế mang lại, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, những năm qua, nhiều gia đình đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, con giống, thức ăn chăn nuôi phục vụ sản xuất. Cá chép đỏ sau khi thu hoạch không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn được các thương lái thu mua mang đi phục vụ thị trường các tỉnh lân cận như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng. Nghề nuôi cá chép đỏ ở thị trấn Tân Phong không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại địa phương mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc….", ông Thắng chia sẻ thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục