Bộ Giao thông Vận tải đã chốt tiến độ thực hiện triển khai lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước ngày 30/6, chạy thử xong và vận hành từ 1/7 tới đây.
Trong giai đoạn đầu, các trạm thu phí vẫn áp dụng song song một cả thu phí không dừng và một dừng để phục vụ đa dạng nhu cầu chủ phương tiện.
Chờ sự đồng thuận của nhà đầu tư BOT
Tại cuộc họp về tiến độ triển khai công tác thu phí không dừng trên các dự án BOT vào sáng 2/3, theo đánh giá của các cơ quan chức năng và chủ đầu tư dự án, hệ thống thu phí không dừng với công nghệ tích hợp hiện đại sẽ giúp nhà đầu tư tránh được thất thoát, tiêu cực và tiết kiệm được nhiên liệu, thời gian lưu thông vì không phải dừng lại để trả tiền, công tác in vé, kiểm soát tải trọng xe...
Theo Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, trong đợt cao điểm Tết vừa qua, tình trạng ùn tắc diễn ra tại các tuyến đường ra vào cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến đường của ngõ phía Nam Hà Nội... đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người dân. Trước tình trạng đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các chủ đầu tư trạm thu phí BOT phải mở cửa cho phương tiện đi qua nếu xuất hiện ùn tắc.
“Tuy nhiên, để giải quyết triệt để ùn tắc trên nhiều tuyến đường thì cần sớm triển khai lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT. Đây là chủ trương rất lớn của Chính phủ và yêu cầu cấp thiết của xã hội,” Thứ trưởng Trường khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco-nhà đầu tư thực hiện dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc-giai đoạn 1 áp dụng cho 3 trạm phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn nhà đầu tư là Tasco để triển khai đồng thời Tasco cũng đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để thực hiện dự án nhằm kịp thời cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng cho người dân vào thời gian sớm nhất.
“Tuy nhiên cho đến nay, điều kiện quan trọng nhất để dự án có thể cán mốc như Bộ Giao thông Vận tải đưa ra không nằm ở việc Tasco làm như thế nào mà là sự hợp tác, đồng thuận của các nhà BOT đối với dự án thông qua việc ký phụ lục Hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải (phụ lục điều chỉnh thu phí bằng thủ công sang thu theo công nghệ tự động) và Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí tự động với Tasco,” ông Dũng phân trần.
Theo vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco, lộ trình để dự án có thể cán đích, Bộ Giao thông Vận tải cần ký hợp đồng dự án với Tasco trong tháng Ba này và các nhà đầu tư BOT cần nhanh chóng ký Phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải cũng như Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí tự động với Tasco phải được hoàn thiện trong tháng 4/2016. Đây cũng là vấn đề khó khăn nhất lúc này để dự án có thể đảm bảo tiến độ như Bộ đã yêu cầu.
Chỉ đạo ngay tại cuộc họp, Thứ trưởng Trường cho biết, hiện mới có 10 nhà đầu tư BOT ký với Tasco. Ngay trong hôm nay, tất cả 18 đơn vị còn lại phải ký dứt điểm hợp đồng để có cơ sở pháp lý triển khai, thực hiện các bước tiếp theo.
“Đơn vị nào không làm thì ngay tuần sau, Bộ sẽ cho dừng thu phí. Trước ngày 15/3, tất cả hợp đồng phải được ký hết để sau đó bắt đầu triển khai thực hiện. Không thể có chuyện cứ họp rồi về không làm, đã thống nhất thì phải triển khai. Ở đâu đã sẵn sàng trạm thu phí chuyển tiếp trung gian từ một dừng sang tự động thì cài đặt chương trình luôn,” Thứ trưởng Trường quả quyết.
Minh bạch, giám sát và hậu kiểm thu phí
Tại cuộc họp, đại diện các nhà đầu tư BOT đều đồng tình với việc triển khai hệ thống ETC khi việc quản lý doanh thu được công nghệ hóa một cách nhanh chóng, chính xác, minh bạch và đảm bảo chống thất thoát nhưng cũng tỏ ra băn khoăn trong việc kết nối giữa các hệ thống ETC vì có nhiều nhà cung cấp hệ thống này.
Theo đại diện Công ty Cổ phần BOT Phước Tượng-Phú Gia (đơn vị làm hầm Phước Tượng-Phú Gia trên Quốc lộ 1A, Thừa Thiên Huế) đặt câu hỏi, tài khoản của đơn vị đăng ký với ngân hàng Việt Á, trong khi dịch vụ thu phí của hệ thống ETC lại là của Tasco và ngân hàng BIDV. Vậy, số tiền thu phí sẽ được chuyển về lại cho nhà đầu tư BOT như thế nào?
Trả lời trực tiếp, ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VETC (Tasco)-nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) cho biết, tiền phí xe qua trạm sẽ "chảy thằng" về Ngân hàng BIDV, sau đó được chuyển sang tài khoản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sẽ phân phối tới tài khoản ngân hàng mà nhà đầu tư đã ký ngay trong ngày.
Bổ sung thêm, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong hợp đồng, các nhà đầu tư BOT đã ghi rõ số tài khoản tại ngân hàng nào và trên hệ thống của Ngân hàng Nhà nước sẽ định danh được tiền của trạm thu phí đó và cam kết thực hiện chuyển tiền về tài khoản của nhà đầu tư ngay trong ngày, trước giờ đóng của của Ngân hàng Nhà nước.
Đề cập đến công tác hậu kiểm của đơn vị quản lý Nhà nước sẽ thực hiện ra sao nếu như có sự “móc tay nhau” làm sai lệnh con số thống kê thu phí dẫn đến thời gian thu lâu giữa chủ đầu tư và đơn vị thu phí, lãnh đạo Công ty Tasco nhìn nhận, hệ thống thu phí tự động không dừng được thực hiện hoàn toàn tự động bằng các trang thiết bị máy móc hiện đại trên thế giới với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, đem lại độ chính xác cao.
Tất cả các số liệu, thông tin dữ liệu thu phí được lưu trữ vĩnh viễn, các hình ảnh của phương tiện đi qua trạm cũng được lưu trữ tối thiểu trong 5 năm và video toàn cảnh trạm thu phí tự động được lưu trữ tối thiểu là một năm. Bên cạnh đó, việc chiết xuất dữ liệu và báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải sẽ được thực hiện định kỳ hàng tháng/qúy.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác, nhà đầu tư và vận hành hệ thống sẽ cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ, Bộ Công an... một cổng kết nối trực tuyến với mục đích giám sát toàn bộ các trạm thu phí, dữ liệu thu phí mọi lúc, mọi nơi.
“Với cơ chế hoạt động như trên thì cơ quan Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm toán trong và sau quá trình thu phí bất kỳ lúc nào. Song song đó, việc kiểm toán toàn bộ dữ liệu thu phí của từng trạm do Tasco thực hiện sẽ được thực hiện bởi một cơ quan kiểm toán độc lập hàng năm nên đảm bảo số liệu luôn được chính xác, minh bạch, công khai,” Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco khẳng định.
Đặt mối tương quan đến việc một số đơn vị khác cũng đang tham gia thực hiện về hệ thống thu phí tự động không dừng và vấn đề kết nối giữa các trạm phí đang được nhà đầu tư BOT quan tâm, phía Tasco bày tỏ quan điểm, nếu có đơn vị khác cũng tham gia thực hiện hệ thống thu phí tự động, Tasco sẵn sàng hợp tác, chia sẻ và thỏa thuận nhằm đảm bảo một mục tiêu cuối cùng là đem lại một dịch vụ thu phí tự động thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư./.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai đồng bộ hệ thống thu phí không dừng với lộ trình từ năm 2016 đến 2019, tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc phải đưa vào sử dụng ETC và có barrier. Từ năm 2020, các làn thu phí được thu hình thức tự động không dừng đa làn không có barrie.