Theo đúng dự kiến, từ 17 giờ hôm qua, 27/6, cuộc “đàm phán” thứ hai giữa chủ đầu tư và ban đại diện cư dân Keangnam đã được chính thức diễn ra. Trước cuộc họp, chị Trịnh Thúy Mai, trưởng ban đại diện lâm thời cho hay, tại cuộc đàm phán này, tất cả các vấn đề gây mâu thuẫn và bức xúc sẽ được đem ra bàn bạc, từ phí trông giữ xe, phí quản lý dịch vụ đến sổ đỏ, sổ hồng. Chị Mai hy vọng, sau buổi làm việc này, hơn 400 cư dân hiện đã dọn về Keangnam sẽ có được câu trả lời thỏa đáng từ phía chủ đầu tư người Hàn Quốc. Phí gửi xe: Keangnam "xin được tư vấn"... Ngay khi cuộc đàm phán mới bắt đầu diễn ra, rất nhiều cư dân của Keangnam không thuộc ban đại diện cũng đã tập trung trước cửa phòng họp để “nghe ngóng” tình hình. Anh Kết, một trong những người đã chứng kiến không khí của buổi “gặp gỡ” đầu tiên cứ đứng ngồi không yên vì không thể tham dự buổi đàm phán quan trọng này. Vừa ngó vào bên trong qua lớp cửa kính dày, anh lo lắng: “Nếu bên Hàn Quốc vẫn có thái độ thiếu hợp tác như các lần trước thì không biết cuộc đàm phán lần này có đi đến kết quả gì không. Nhưng tôi cũng rất hy vọng, hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung.” Phía bên trong, các vấn đề quan trọng liên tục được các thành viên của ban đại diện đưa ra chất vấn ông Ha Jong Suk, chủ tịch Keangnam Vina. Không khí trở nên nóng ngay từ những phút đầu tiên với câu chuyện phí gửi xe. Cho rằng phí gửi xe cao ngất ngưởng như vậy là để tránh các cư dân bên ngoài vào gửi "bãi rộng và mát!" Tỏ ra rất "cầu thị" ông Ha Jong Suk- chủ tịch Keangnam Vina xin ý kiến ban đại diện tư vấn cho họ "nên như thế nào?" Đáp lời, ban đại diện đều chung quan điểm: Việc quản lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi để xe của các cư dân là việc của ban quản lý tự tham khảo kinh nghiệm từ các khu chung cư khác. Nếu muốn tham vấn ban đại diện và cư dân, Keangnam có thể gửi bằng văn bản. Về nguyên tắc, phí thu xe phải được tuân thủ theo các quy định của nhà nước Việt Nam, căn cứ theo Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND ngày 9/1/2009 và Quyết định số 107/2009 QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của Ủy ban Nhân dân Hà Nội về quy định mức phí tối đa trông giữ các phương tiện tại các chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Ngoài lề, ông Sáu, cư dân tòa nhà B cho rằng, việc Keangnam xin " được tư vấn "là quá quanh co, thực tế việc quản lý không để xe ngoài vào bãi là quá đơn giản, chỉ có cư dân mới được để xe vào bãi, và khi mua vé tháng, họ chỉ cần chứng minh họ là cư dân qua hợp đồng gốc. Khách vào tòa nhà cũng không thể lên nhà nếu không có sự đồng ý của chủ nhà qua hệ thống intecom nên không thể có chuyện khách vãng lai vào gửi xe rồi đi ra được. Rốt cuộc Keangnam đành nhượng bộ bằng "kế hoãn binh" với lý do họ sẽ làm việc với Sở tài chính Hà nội vào hôm nay và hẹn trả lời cư dân trong thời gian tối đa là 2 tuần nữa (tính từ ngày 27/6/2011). Phí dịch vụ: căng thẳng cuộc đàm phán lúc nửa đêm Anh Phạm Quang Hải, chủ căn hộ 1806- thành viên ban đại diện đã đề nghị Keangnam giải thích về mức giá dịch vụ được tính bằng usd và ở mức quá cao. Theo đó, dựa trên hợp đồng ban đầu đã ký kết giữa hai bên, mức phí dịch vụ đưa ra sẽ được căn cứ dựa mức quy định của thành phố của thành phố cũng như việc tham khảo mức phí của các chung cư cao cấp cùng hạng. Vì vậy, khi Ủy ban nhân dân thành phố chưa đưa ra quyết định về vấn đề này, theo nguyên tắc, phía Keangnam phải trao đổi với cư dân chứ không thể đơn phương áp đặt một mức giá “trên trời” [0,99 USD/m2] như hiện nay được, anh Hải khẳng định. Mặt khác, sau một thời gian sử dụng, hầu hết cư dân đều cho rằng mức phí này quá cao và không tương xứng với chất lượng dịch vụ mình đang được hưởng,” anh Hải nói thêm. Phía chủ đầu tư Hàn Quốc thì cho rằng, sở dĩ mức phí này cao hơn tất cả các chung cư cao cấp hiện nay là do họ đã sử dụng hệ thống máy móc vô cùng hiện đại, đòi hỏi trình độ của người vận hành cao. Bởi vậy, nếu hạ mức phí xuống thì sẽ rất khó để đảm bảo hiệu quả cũng như chất lượng các dịch vụ của cả tòa nhà. Ông Ha Jong Suk dẫn chứng, hiện chỉ có các chuyên gia người Hàn Quốc mới có thể sử dụng hệ thống thiết bị này, với mức lương rất cao nên rất khó thay thế đội ngũ này. Quả bóng trách nhiệm liên tục được ông Ha đẩy về phía đơn vị quản lý và vận hành tòa nhà - Công ty trách nhiệm hữu hạn Chestnut Việt Nam. Ông Ha cho rằng, phía Keangnam Vina cũng rất “khó” vì phải đứng vị trí ở giữa. Mức phí hiện tại được Chesnut đưa ra dựa trên cơ sở đã tính toán đến các chi tiết cụ thể. Nếu cắt giảm mức phí này xuống mức trần của các chung cư cao cấp khác hiện nay như The Manor, Golden Westlake, Pacific… là 0,8 USD/m2 thì họ không dám đảm bảo về chất lượng nữa. “Lý giải như thế là hết sức vô lý vì chúng tôi cũng đã so sánh và thấy chất lượng dịch vụ ở những nơi ông Ha nhắc đến hiện đầu tốt hơn tại Keangnam rất nhiều,” một thành viên ban đại diện dân cư bức xúc. Một thành viên trong ban đại diện dẫn chứng, chỉ với mức phí 0,8 USD/m2 nhưng tại Golden Westlake và Pacific hoàn toàn không có một sự kêu ca phàn nàn nào từ phía người dân. Các dịch vụ ở đây cũng đáp ứng rất tốt nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó, mức giá 0,99 USD tại Keangnam mặc dù cao hơn nhưng dịch vụ lại không bằng, thậm chí thua xa những nơi kia. Điển hình nhất là việc, hệ thống thang máy chỉ hoạt động 50% công suất và thường xuyên xảy ra sự cố. Toàn bộ hành lang rất bí và nóng do không có hệ thống điều hòa. Các tiện ích khác như bể bơi hay phòng tập thể hình đều có diện tích quá bé và không đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng dân cư. "Chúng tôi cũng hiểu không thể có chuyện dịch vụ rất tốt mà đòi hỏi giá rẻ được. Nhưng với mức phí như hiện tại ở Keangnam thì chúng tôi mong được hưởng dịch vụ xứng đáng hơn," một thành viên ban đại diện nói. Điều gây tranh cãi nhiều nhất là mức phí này hoàn toàn chỉ được dựa trên tính toán lỗ lãi của phía Chestnut Việt Nam mà không chú ý đến những yếu tố khác. Bên cạnh việc bức xúc vì mức phí dịch vụ tỷ lệ nghịch với chất lượng, cư dân Keangnam cũng bất bình về thời điểm tiến hành thu phí. “Chúng tôi cho rằng, việc Keangnam thu phí dịch vụ ngay từ ban đầu là rất vô lý. Bởi, theo hợp đồng, khi cư dân chuyển về đây, họ sẽ được nhận kèm theo những tiện ích xác định. Nhưng thực tế, chúng tôi lại phải chịu những dịch vụ chất lượng thấp, thậm chí, nhiều nhà không thể về ở trong căn hộ của mình vì còn phải sửa chữa lại,” chị Mai khẳng định. Ngoài ra, theo chị Mai, tại hầu hết các chung cư cao cấp khác, khách hàng đều được miễn phí dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, ban đại diện dân cư kiến nghị Keangnam xem xét miễn 6 tháng phí dịch vụ cho toàn bộ những hộ dân đã chuyển về đây sinh sống. Bên ngoài, không khí cũng nóng dần lên. Sau mỗi lần giải lao, các cư dân đều xúm lại hỏi những thành viên ban đại diện về kết quả đã đạt được. Cho đến khoảng gần 9 giờ tối, nhiều người còn chuẩn bị cả đồ ăn, nước uống, sẵn sàng trực chiến cả đêm để biết được kết quả cuối cùng.
Keangnam thừa nhận những gì? Sau 3 lần nghỉ giải lao và gần 7 tiếng đồng hồ đàm phán căng thẳng, cho đến gần 0 giờ sáng 28/6, cuộc họp lần thứ hai đã chính thức kết thúc. Thay mặt ban đại diện dân cư, chị Trịnh Thúy Mai cho hay: “Sau buổi hôm nay, chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy sự thiện chí của phía Keangnam.” Cụ thể hơn, hầu hết các vấn đề được đưa ra tranh luận đều đã được ông Ha Jong Suk trả lời trong thẩm quyền của mình và hứa sẽ có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Vấn đề được nhiều cư dân quan tâm nhất là mức phí quản lý, dịch vụ là bao nhiêu là hợp lý cũng đã tìm được giải pháp ban đầu. Tại buổi đàm phán, trước những dẫn chứng thuyết phục về chất lượng dịch vụ không đồng hành với giá “trên trời” tại Keangnam, ông Ha Jong Suk cũng thừa nhận những thiết sót trong việc vận hành tòa nhà trong thời gian qua. Ông Ha đề xuất, phía cộng đồng dân cư cho Chestnut thêm 2 tháng để cải thiện chất lượng dịch vụ. Sau 2 tháng này, nếu các cư dân vẫn không cảm thấy hài lòng, họ có quyền gợi ý và lựa chọn 1 công ty quản lý khác. Tuy vậy, khi đối mặt với những chất vấn cụ thể về chất lượng “tồi tệ” và “không đáng có” ở tòa nhà được coi là hiện đại bậc nhất hiện nay, ông Ha tỏ ra khá lúng túng. Anh Hải bức xúc cho hay, bản thân anh cũng không bao giờ nghĩ đến việc ở Keangnam mà thang máy lại có thể bị “chết” giữa chừng, không có hệ thống điều hòa hành lang… Trước những bức xúc này, sau nhiều giờ đàm phán, ông Ha khẳng định, trong vòng 2 tuần tới, Keangnam Vina sẽ yêu cầu phía Chestnut xây dựng lại một khung giá dịch vụ mới dựa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ban đại diện dân cư và nằm trong khả năng chấp nhận được. Khung giá này trước hết sẽ được thông qua ban đại diện. Nếu vẫn không hài lòng, vấn đề sẽ tiếp tục được đưa ra bàn bạc tại một hội nghị chung cư chính thức lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào nửa cuối tháng 7. Đặc biệt, Keangnam Vina cũng hứa, toàn bộ giá dịch vụ sẽ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Về đề nghị hoãn thời gian thu phí của cư dân, ông Ha Jong Suk hứa sẽ tiếp nhận ý kiến này, thông báo về phía công ty mẹ tại Hàn Quốc và sẽ có văn bản trả lời chính thức chậm nhất sau 2 tuần.
Keangnam thừa nhận những gì? Sau 3 lần nghỉ giải lao và gần 7 tiếng đồng hồ đàm phán căng thẳng, cho đến gần 0 giờ sáng 28/6, cuộc họp lần thứ hai đã chính thức kết thúc. Thay mặt ban đại diện dân cư, chị Trịnh Thúy Mai cho hay: “Sau buổi hôm nay, chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy sự thiện chí của phía Keangnam.” Cụ thể hơn, hầu hết các vấn đề được đưa ra tranh luận đều đã được ông Ha Jong Suk trả lời trong thẩm quyền của mình và hứa sẽ có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Vấn đề được nhiều cư dân quan tâm nhất là mức phí quản lý, dịch vụ là bao nhiêu là hợp lý cũng đã tìm được giải pháp ban đầu. Tại buổi đàm phán, trước những dẫn chứng thuyết phục về chất lượng dịch vụ không đồng hành với giá “trên trời” tại Keangnam, ông Ha Jong Suk cũng thừa nhận những thiết sót trong việc vận hành tòa nhà trong thời gian qua. Ông Ha đề xuất, phía cộng đồng dân cư cho Chestnut thêm 2 tháng để cải thiện chất lượng dịch vụ. Sau 2 tháng này, nếu các cư dân vẫn không cảm thấy hài lòng, họ có quyền gợi ý và lựa chọn 1 công ty quản lý khác. Tuy vậy, khi đối mặt với những chất vấn cụ thể về chất lượng “tồi tệ” và “không đáng có” ở tòa nhà được coi là hiện đại bậc nhất hiện nay, ông Ha tỏ ra khá lúng túng. Anh Hải bức xúc cho hay, bản thân anh cũng không bao giờ nghĩ đến việc ở Keangnam mà thang máy lại có thể bị “chết” giữa chừng, không có hệ thống điều hòa hành lang… Trước những bức xúc này, sau nhiều giờ đàm phán, ông Ha khẳng định, trong vòng 2 tuần tới, Keangnam Vina sẽ yêu cầu phía Chestnut xây dựng lại một khung giá dịch vụ mới dựa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ban đại diện dân cư và nằm trong khả năng chấp nhận được. Khung giá này trước hết sẽ được thông qua ban đại diện. Nếu vẫn không hài lòng, vấn đề sẽ tiếp tục được đưa ra bàn bạc tại một hội nghị chung cư chính thức lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào nửa cuối tháng 7. Đặc biệt, Keangnam Vina cũng hứa, toàn bộ giá dịch vụ sẽ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Về đề nghị hoãn thời gian thu phí của cư dân, ông Ha Jong Suk hứa sẽ tiếp nhận ý kiến này, thông báo về phía công ty mẹ tại Hàn Quốc và sẽ có văn bản trả lời chính thức chậm nhất sau 2 tuần.
Cũng trong ngày hôm qua, 27/6, văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự đã chính thức gửi đơn tố cáo Keangnam vi phạm pháp luật Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở tài chính Hà Nội (về việc thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô), Vụ quản lý ngoại hối – Ngân hàng nhà nước Việt Nam (về hành vi Niêm yết giá bán căn hộ bằng Đô la Mỹ trong hợp đồng mua bán căn hộ)
|
Sơn Bách - Xuân Dũng (Vietnam+)