Thu phí nước đầu vào, nước thải để bảo đảm tài sản của Nhà nước

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng nước là sở hữu chung nhưng cần thiết phải quản lý tài nguyên nước dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường, tạo ra nguồn thu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết hiện đang tồn tại một thực tế là “doanh nghiệp sử dụng nguồn nước quá nhiều, nhưng Nhà nước chẳng thu được cái gì.”

Trao đổi với báo chí trước sự kiện Ngày nước thế giới (22/3), ông Chinh nhấn mạnh, nước là sở hữu chung, nhưng phải sử dụng có trách nhiệm và cần phải quản lý tài nguyên nước dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường.

“Nếu tiếp cận thị trường đúng thì chúng ta sẽ mở ra một ​hướng rất hay trong quản lý tài nguyên nước. Ngược lại, nếu chúng ta không biết cách quản lý sẽ dẫn tới thất bại thị trường, tức là nước thì thiếu, nước bị ô nhiễm,” ông Chinh nói.

Cũng theo ông Chinh, muốn quản lý thị trường nước phải dựa trên nguyên lý cung-cầu và phải tạo ra nguồn thu. Ví dụ, nước là tài sản chung của nhà nước thì phải nộp thuế, nộp phí cho nhà nước.

Trường hợp nước của doanh nghiệp đã qua xử lý, thì doanh nghiệp đã nộp phí cho nhà nước rồi. Vì thế doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với người dân để có mức giá sử dụng phù hợp.

Tuy nhiên, ông Chinh cũng lưu ý, theo kinh nghiệm ở các nước, tài sản của nhà nước thì trước hết là người ta thu đủ theo hướng xác lập nhu cầu sử dụng của người dân với khả năng cung cấp nước. Đây là giải pháp cần áp dụng.

“Ngay cả trong nông nghiệp, chúng ta cũng không thể miễn phí như ngày xưa được. Ví dụ, nông nghiệp công nghệ cao, người ta dùng nước quá nhiều, sản phẩm bán giá rất cao, thậm chí xuất khẩu thì cớ gì không thu tiền, nộp thuế, phí cho nhà nước?,” ông Chinh trăn trở.

[Số giếng khoan có chất ô nhiễm vượt mức cho phép tại Hà Nội chiếm 71%]

Đối với nước thải đầu ra, ông Chinh cho biết trước đây Luật đã quy định cụ thể, nhưng nguồn thu chủ yếu là từ người dân vì dễ thu với 10% trong khối nước. Còn riêng doanh nghiệp gần như không thu được. Bây giờ cơ quan chức năng đã được đầu tư công nghệ đo tự động, số liệu báo cáo rõ ràng nên cần phải xem lại.

“Ở một số nước như Australia, chúng tôi đi nghiên cứu thấy nước thải đầu ra ở đất nước họ còn thu cao hơn cả nước đầu vào. Trong hệ thống kinh tế, nước là yếu tố đầu vào nhưng cũng là yếu tố đầu ra. Vì thế chúng ta cần phải quy định 2 mức, đầu vào là thu thuế tài nguyên, đầu ra là thu phí nước thải để hướng đến mục tiêu cuối cùng là chúng ta thu đủ tài sản của Nhà nước.”

“Trên cơ sở đó, người nào gây ra ô nhiễm thì người đó phải chịu trách nhiệm xử lý, để thu đủ phí nước thải đầu ra, thu đủ nước của tài nguyên đầu vào, góp phần tăng nguồn ngân sách cho Nhà nước, cũng như khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước hiệu quả,” ông Chinh kiến nghị./.

Quản lý tài nguyên nước cần dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường. (Video: H.V/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục