Thu phí không dừng: Tại sao nhà đầu tư BOT chần chừ và dân e ngại?

Bộ Giao thông Vận tải đưa ra lộ trình cuối năm 2019, tất cả các trạm phải triển khai thu phí tự động và khoảng hơn 3 triệu xe ôtô của cả nước dán thẻ thu phí.
Nhà đầu tư BOT vẫn còn nhiều băn khoăn về lợi ích kinh tế trong việc triển khai lắp đặt thu phí tự động. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà đầu tư BOT vẫn còn nhiều băn khoăn về lợi ích kinh tế trong việc triển khai lắp đặt thu phí tự động. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Số lượng phương tiện dán thẻ thu phí tự động vẫn còn quá ít so với kỳ vọng. Việc người dân e ngại, nhà đầu tư BOT vẫn còn chần chừ với nhiều băn khoăn về những lợi ích kinh tế giữa các bên dẫn đến việc thu phí tự động đang chậm triển khai.

Băn khoăn khoản "lãi qua đêm"

Tại buổi Tọa đàm "Cách nào đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng?" do Báo Giao thông tổ chức sáng ngày 2/4, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước có khoảng trên 90 trạm thu phí BOT hiện đang áp dụng hình thức thu phí thủ công, chủ yếu là con người và hệ thống máy tính thực hiện.

Hiện nay, dự án giai đoạn 1 có 28 trạm, đến nay đã hoàn thành 26 trạm, có 2 trạm chưa thực hiện do đang dừng và trạm hết hạn thu phí. Trong giai đoạn 2, có 33 trạm và Tổng cục Đường bộ dự kiến tháng Tư sẽ đấu thầu, trong năm nay sẽ hoàn thành.

[Chậm thu phí tự động: Nhà đầu tư BOT e ngại về tính minh bạch]

Qua thực tiễn, bên cạnh những ưu điểm thì thu phí không dừng còn bộc lộ một số khiếm khuyết khi thực hiện đó là ùn tắc giao thông trước và sau trạm thu phí; vấn đề môi trường, an ninh trật tự ở trạm thu phí...

Liên quan đến vấn đề nhà đầu tư BOT chưa muốn thực hiện vì không muốn phải minh bạch doanh số thu phí, ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đưa ra hàng loạt các thắc mắc như lượng khách hàng trả tiền trước trên toàn quốc rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vậy, VETC (nhà đầu tư thu phí tự động) có trả lãi cho người dùng không hay sẽ tính toán như thế nào trong việc sử dụng vốn này trong phương án tài chính? Ai là người được hưởng khoản lãi phát sinh (gọi là "lãi qua đêm") cần phải làm rõ bởi trong hợp đồng giữa nhà đầu tư BOT và VETC chưa đề cập tới điều này.

Trả lời việc này, ông Hồ Trọng Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thu phí tự động VETC giải thích, lãi suất của doanh thu thu phí là của nhà đầu tư, VETC chỉ là dịch vụ thu phí hộ.

“Nếu chuyển tiền nhiều lần trong ngày thì chi phí để tính toán và chuyển tiền sẽ quá lớn nên trong quá trình đàm phán, VETC và các nhà đầu tư BOT đã thống nhất chốt doanh thu và chuyển tiền cho nhà đầu tư BOT một lần/ngày,” ông Vinh thông tin.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, với khoản lãi nếu có phát sinh thì lãi suất tiền gửi không thời hạn thực sự rất thấp, chỉ khoảng 0,1%/năm.

“Theo quy định, VETC không phải tổ chức tín dụng nên không được phép trả lãi các khoản tiền mà người chuyển khoản trả trước cho VETC. Tuy nhiên, băn khoăn của chủ đầu tư BOT là hợp lý, vấn đề là vai trò quản lý làm sao cho minh bạch, giám sát chặt chẽ,” ông Sơn nhìn nhận.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, nguồn thu không chỉ được một chủ thể quản lý mà là nhiều chủ thể, trong đó có cả sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng, người dân.

“Việc thu tiền vào và chuyển đi thì hoàn toàn là chuyện của nhà đầu tư và ngân hàng, VETC không can thiệp vào lãi suất. Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng ban hành cơ chế để VETC được hưởng từ nguồn độc lập, không liên quan và ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các nhà đầu tư BOT,” ông Thọ cho hay.

Tất cả trạm phải thu phí tự động cuối năm 2019

Đề cập đến công tác dán thẻ Etag, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, hiện nay chỉ có khoảng 700.000 phương tiện trên 3,5 triệu phương tiện dán thẻ. Mặc dù công tác triển khai lắp đặt đúng tiến độ nhưng ông thừa nhận, tỷ lệ người sử dụng vẫn chưa đạt yêu cầu.

“Thực tế, khi dán thẻ Etag có vấn đề như nhiều khách hàng và phương tiện chưa hiểu rõ sử dụng công nghệ mới nên còn hạn chế. Có trường hợp lái xe e ngại vì sợ khi dán bị giám sát trên toàn quốc nên không muốn dán,” ông Huy chỉ ra nguyên nhân.

Thu phí không dừng: Tại sao nhà đầu tư BOT chần chừ và dân e ngại? ảnh 1Cuối năm 2019, tất cả các trạm phải triển khai thu phí tự động không dừng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhấn mạnh thu phí ETC sẽ đảm bảo công khai, minh bạch và Tổng cục đường bộ Việt Nam đã tổ chức giám sát 51/63 trạm BOT, ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Vụ trưởng Khoa học công nghệ Môi trường-Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ) cho rằng, Tổng cục đang triển khai hệ thống quản lý giám sát lưu lượng và doanh thu của tất cả các trạm BOT trên toàn quốc.

Theo ông Thanh, hệ thống này kết nối với tất cả trạm thu phí BOT, truyền dữ liệu thu phí muốn dừng và không dừng về trung tâm giám sát của Tổng cục. Các dữ liệu này đều là dữ liệu thô chưa qua hậu kiểm, nên đảm bảo đối soát được trực tiếp với trạm thu phí; có phản hồi các giao dịch nghi vấn, kiểm tra doanh thu tức thời và doanh thu một ngày của nhà đầu tư BOT.

“Với những quy định của pháp luật và áp dụng công nghệ thông tin mà cơ quan Nhà nước đang triển khai thì đảm bảo được công khai minh bạch, các nhà đầu tư yên tâm,” ông Thanh quả quyết.

Thừa nhận thu phí tự động không dừng là tất yếu và Bộ Giao thông Vận tải đã chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, Thứ trưởng Thọ cho rằng, khi Bộ đăng tải danh mục kêu gọi đầu tư, chỉ có duy nhất một nhà đầu tư tham gia đó là Tasco-VETC.

[Thu phí không dừng: Nhà đầu tư BOT có 'sợ' Bộ GTVT dọa dừng thu?]

“Bộ Giao thông Vận tải cũng xây dựng kế hoạch chi tiết, quyết tâm lấy mốc 31/12/2019 để thu phí tự động không dừng trên tất cả các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến khác theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,” ông Thọ nói.

Liên quan đến việc kiểm soát dòng tiền, nguyên tắc chuyển tiền giữa VETC và nhà đầu tư ra sao, Thứ trưởng Thọ cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục bàn bạc để đi đến thống nhất cuối cùng, mục tiêu là phải hoàn thành được thu phí không dừng đúng thời hạn Thủ tướng giao nhưng cũng tạo thuận lợi nhất cho tất cả các chủ thể, từ nhà đầu tư, ngân hàng, người dân.

Dẫn chứng trực tiếp thị sát và trải nghiệm hệ thống thu phí không dừng tại Quảng Bình rất tiện ích, ông Thọ nói: "Nhà nước, nhà đầu tư cung cấp dịch vụ tốt như thế, chẳng cớ gì mà người dân không sử dụng. Cũng như chuyện mua hàng online đang ngày càng phổ biến hơn. Cứ thuận tiện, có lợi cho các bên thì người dân sẽ sử dụng."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục