Nếu như đã có sự “di dân” từ báo in sang báo điện tử thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với loại hình báo chí sẽ chiếm ưu thế trong tương lai? Logic đơn giản, một khi doanh thu từ bán báo in sụt giảm thì các cơ quan truyền thông sẽ chuyển sang thu phí online để bù đắp cho mất mát đó. “Với cá nhân tôi thì thu phí trên báo điện tử là xu thế tất yếu, không thể tránh khỏi. Tôi mong đợi sẽ ngày có nhiều cơ quan báo chí thực hiện điều này,” Nicholas Giraudon, giám đốc marketing của hãng thông tấn AFP nói với chúng tôi như vậy khi được hỏi về “paywall” (dựng bức "tường" ngăn độc giả tiếp cận thông tin miễn phí trên bản điện tử và phải trả tiền để đọc nội dung). Dĩ nhiên, từ góc nhìn của một người làm kinh doanh, lại của một hãng thông tấn thì việc Giraudon có quan điểm như thế cũng là dễ hiểu. Song thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều cơ quan báo chí có cùng chung suy nghĩ với giám đốc marketing của AFP. Và “paywall” cũng chính là một trong những chủ đề nóng nhất tại World Newspaper Congress (WNC) lần này. Trong số hơn 40 bản tham luận được đọc tại hội thảo (bao gồm cả diễn đàn các Tổng biên tập và Diễn đàn các nhà quảng cáo) thì có tới 1/3 đề cập tới chủ đề thu phí online. [Báo chí và cuộc "di dân" từ báo in sang báo điện tử] Thêm thông tin đáng chú ý nữa, một số lãnh đạo các tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam cũng đã có mặt ở Đại hội báo chí, xuất bản thế giới (World Newspaper Congress) lần này, không chỉ để tiếp cận các xu hướng mới nhất của báo chí thế giới, mà còn nhằm tham khảo những mô hình “paywall” để có thể áp dụng cho tờ báo của mình trong tương lai gần. Hết thời miễn phí WNC lần thứ 65 ở Bangkok dành hẳn một diện tích lớn cho các hãng truyền thông, quảng cáo giới thiệu những sản phẩm của mình. Và tại đó, gian hàng của New York Times (NYT) và Financial Times (FT) thuộc loại thu hút nhiều khách tham quan nhất. Lý do không chỉ bởi đây là hai tờ báo nổi tiếng, mà còn bởi nhiều đại biểu muốn tìm hiểu mô hình thu phí online của NYT và FT. Tờ báo Mỹ đã thu phí từ tháng 3/2011, còn tờ báo Anh thì chính là đơn vị đi tiên phong trong việc bắt độc giả phải trả tiền để đọc ấn bản điện tử. Tiếp chúng tôi tại gian hàng của mình, bà Eunice Walford, đại diện của Financial Times cho biết, từ năm 2001, độc giả muốn đọc báo trên FT.com phải tiến hành đăng ký (subcribe) và đóng một khoản phí nhỏ. Đến năm 2007, FT chính thức dựng “paywall”, chỉ cho phép độc giả đọc miễn phí một số lượng hạn chế bài viết trước khi đề nghị phải trả tiền thì mới được đọc tiếp. Theo bà Walford, ban đầu FT.com cũng mất một số lượng độc giả không nhỏ, nhiều người phản ứng vì họ đã quen đọc tin miễn phí, nhưng ban lãnh đạo báo xác định việc thu phí online chính là cách tốt nhất để giành lại khoản lợi nhuận mất đi do sụt giảm quảng cáo trên báo in. “Và kết quả là đến năm 2012, lần đầu tiên số người đăng ký đọc online đã vượt qua số lượng phát hành của báo in,” bà Walford tiết lộ. Thành công của FT.com chính là động lực thúc đẩy các cơ quan báo chí lớn tiến hành thu phí online. Giám đốc điều hành WAN-IFRA Vincent Peyregne dẫn chứng, hiện ở Mỹ có 48% cơ quan báo chí tiến hành thu phí online, trong đó có 40% áp dụng cách thức thu phí theo các cấp độ riêng (metered model - cho phép độc giả đọc một số tin bài miễn phí nhất định trước khi yêu cầu trả phí để được đọc tiếp). Cụ thể, 17% cơ quan báo chí áp dụng hình thức “hard paywall”, tức muốn đọc bất cứ nội dung nào cũng phải trả tiền, 33% thu phí đối với “premium content” (thông tin có giá trị cao). Tiến sĩ Stig Nordqvist, Giám đốc điều hành bộ phận Xuất bản điện tử của WAN-IFRA đúc kết: "Bây giờ người ta sẽ không còn băn khoăn với câu hỏi 'Thu phí hay không thu phí" nữa mà sẽ là "Thu phí như thế nào'?" Thông tin giá trị, cho mọi thiết bị Dĩ nhiên, để thu hút và giữ chân độc giả thì các cơ quan báo chí sẽ có nhiều cách thức thu phí cho độc giả lựa chọn. Chẳng hạn là khuyến mãi giảm giá, cho phép độc giả đọc một số bài miễn phí nhất định mỗi tháng, cho phép chia sẻ miễn phí bài viết trên mạng xã hội, đọc bản e-paper (báo giấy dạng online), thậm chí là tặng thưởng cho khách hàng may mắn như tờ The Globe and Mail của Canada đã làm. The Globe and Mail cũng là một trong những cơ quan báo chí thành công trong việc thu phí online với lượng độc giả thường xuyên (unique visitor) truy cập vào website cũng như qua ứng dụng trên thiết bị di động là 2,8 triệu người mỗi tháng. “Càng nghiên cứu sâu hơn độc giả của mình, chúng tôi càng nhận ra rằng họ sẵn sàng trả tiền để được đọc những nội dung có giá trị,” ông John Stackhouse, Tổng biên tập The Globe and Mail chia sẻ. Một yếu tố không kém phần quan trọng khác đối với các cơ quan báo chí tiến hành thu phí online là phải đáp ứng nhu cầu của độc giả trên mọi phương tiện. “Chúng ta phải tập trung vào thông tin giá trị và độc quyền trên bản điện tử, mọi lúc, mọi nơi và cho mọi thiết bị,” Geir Engen, Giám đốc Hiệp hội kinh doanh truyền thông Na Uy nói.
Giám đốc marketing của hãng AFP Nicholas Giraudon chia sẻ với các phóng viên Việt Nam về vấn đề thu phí online
(Ảnh: Xuân Sinh)
(Ảnh: Xuân Sinh)
Ông Stackhouse thì khẳng định việc thu phí chính là động lực để ngành công nghiệp báo chí phát triển. Các tòa soạn sẽ phải nỗ lực làm mới mình, các phóng viên phải nỗ lực đem lại những thông tin có giá trị, các sản phẩm phụ trợ tới cho độc giả. Vị Tổng biên tập của The Globe and Mail cho hay, từ năm 2010, báo đã khởi động chương trình “Globe Unlimited” cho ứng dụng trên thiết bị di động và đến năm 2012 thì chính thức ra mắt hệ thống đó nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của "khách hàng". NYT thì thu hút độc giả bằng thông tin dạng video, nếu như quý 1 năm 2012, số lượt xem là 5 triệu thì đến quý 1 năm 2013, con số này đã là 9 triệu. Bản quyền luôn là vấn đề nóng Thế nhưng, một khi các website cạnh tranh nhau bằng thông tin giá trị để thu tiền từ độc giả thì bản quyền cũng sẽ là một trong những yếu tố then chốt, nếu như không muốn nói là sống còn. Không phải ngẫu nhiên mà tại WNC lần này, WAN-IFRA – đại diện cho 18.000 tờ báo, 15.000 website và hơn 3.000 cơ quan báo chí ở 120 quốc gia – lại đề cao vấn đề bảo vệ bản quyền ngay khi các đại biểu vừa đặt chân tới hội thảo. Margaret Boribon, Tổng thư ký hiệp hội báo chí tiếng Pháp của Bỉ, đơn vị đã kiện thành công Google vi phạm bản quyền, nói trước đại hội rằng ngành công nghiệp báo chí nên đoàn kết lại để đưa ra một chuẩn mực chung trong cuộc chiến này. Frederic Filloux, trưởng ban điện tử của tờ báo Pháp Les Echos đưa ra ý tưởng đàm phán với Flipboard và Google để dựng “paywall” của các báo trên hệ thống của những nền tảng tổng hợp thông tin nói trên. Song trước khi đại hội đưa ra một sự thống nhất, thì những người đi tiên phong thu phí online đã có những bước đi riêng của mình. Bà Jaime Shum, giám đốc bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của FT cho biết họ có hệ thống giám sát đủ mạnh để phát hiện ngay lập tức những địa chỉ IP đăng tải lại thông tin của mình mà không xin phép. Ban đầu, FT sẽ gửi thư cảnh báo, trước khi thực hiện những hành động pháp lý để bảo vệ bản quyền. Tuy vậy, khi được hỏi, FT sẽ làm gì nếu một tờ báo ở Việt Nam vi phạm bản quyền của tờ báo, bà Jaime thừa nhận vẫn chưa hiểu biết nhiều về thị trường này, cũng như những hành lang pháp lý trong vấn đề bảo vệ bản quyền ở Việt Nam. Đấy cũng chính là chủ đề từng được Vietnam+ xới lên nhiều lần và sẽ được chúng tôi tiếp tục theo đuổi ở một dịp khác. Bởi một nền báo chí chỉ có thể sống khỏe và phát triển lành mạnh nếu như vấn đề bản quyền được tôn trọng và quan tâm đúng mức. Mà điều này sẽ không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào ý thức của các cơ quan báo chí lẫn độc giả...
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Zenith Optimedia, trong giai đoạn 2005-2014, doanh thu quảng cáo từ báo điện tử ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mọi loại hình báo chí khác, đặc biệt là truyền hình và báo in. Thế nên, theo các chuyên gia truyền thông, thu phí online chính là hướng phát triển tất yếu của báo điện tử. Nhưng điều này sẽ chỉ trở nên khả thi khi các cơ quan báo chí có những thông tin giá trị cao (premium content) để đem tới cho độc giả, và điều quan trọng là vấn đề bản quyền báo chí được tôn trọng. |
Hoàng Nhật - Việt Toàn (Vietnam+)