Sau 2 tuần thử nghiệm, hệ thống thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (thu phí hạ tầng cảng biển) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp.
Hệ thống vận hành ổn định, chưa xảy ra các vướng mắc trong những ngày qua giúp doanh nghiệp yên tâm trước khi triển khai chính thức từ ngày 1/4 sắp tới.
Tất cả đều là thủ tục trực tuyến
Hiện doanh nghiệp có thể dùng hai hình thức để thực hiện thủ tục nộp phí là sử dụng phần mềm khai báo hải quan điện tử hoặc khai báo trên cổng thông tin thu phí của Cảng vụ Đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh (liên thông với nhau).
Việc nộp phí được thực hiện theo mô hình thu nộp 24/7 mà hải quan đang áp dụng nên không làm phát sinh thêm chi phí và thời gian đi lại của doanh nghiệp.
Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị chủ trì triển khai thu phí), hệ thống thu phí được thực hiện tự động, việc khai báo, nộp phí đều diễn ra trực tuyến.
Các khu vực cảng không cần thêm chốt hay trạm thu phí, nhân viên phục vụ, do đó không xảy ra tình trạng xe ùn ứ hay phải chờ đợi để khai báo khi vào cảng. Các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng thường xuyên trao đổi thông tin, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những sự cố trên hệ thống để công tác vận hành được linh hoạt.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết qua quá trình thử nghiệm, hệ thống vận hành cơ bản tốt, ổn định. Tất cả dữ liệu đầu vào cũng như đầu ra tại các cảng đều được thực hiện. Bên cạnh đó, các cảng cũng đã thực hiện trách nhiệm trong việc giám sát trên hệ thống.
Tính đến chiều 2/3, đã có hơn 500 doanh nghiệp đăng ký khai báo thu phí cảng biển trên hệ thống thông quan của hải quan và cổng thông tin điện tử của Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố.
Cảng vụ Đường thủy nội địa cho biết số lượng doanh nghiệp tham gia thử nghiệm còn hạn chế, hiện các đơn vị đang đẩy mạnh tuyên truyền để các đơn vị tham gia trước khai triển khai chính thức.
Thực tế, hiện các quy trình thử nghiệm đều thực hiện như chính thức, chỉ chưa thu tiền phí. Cảng vụ đã thành lập tổ vận hành hệ thống này, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đối soát hoặc hướng dẫn doanh nghiệp khi có nhu cầu.
Là người thường xuyên thực hiện các thủ tục tại cảng, ông Trần Văn Bình, Công ty cổ phần vận tải đa phương thức Vietranstimex cho biết, doanh nghiệp đã sớm thực hiện đăng ký thao tác thử nghiệm hệ thống và thấy khá dễ dàng do đã có sẵn dữ liệu từ tờ khai hải quan điện tử. Chỉ mất chỉ mất khoảng 1-2 phút là thực hiện xong thủ tục và đồng bộ.
“Giờ đang thử nghiệm, phần nhập dữ liệu ban đầu khá thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên đến khi chính thức mới đánh giá cụ thể được, nhất là phần thanh toán ngân hàng, giao nhận hàng hóa," ông Trần Văn Bình chia sẻ.
Mong đầu tư hiệu quả
Theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-Hội đồng Nhân dân của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ số thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí, được nộp vào ngân sách thành phố để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn.
Mức thu phí thấp nhất là 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4.400.000 đồng loại container 40ft. Với mức thu này, Đề án thu phí hạ tầng cảng biển ước tính, mỗi năm thành phố sẽ có khoảng gần 3.000 tỷ đồng để thành phố thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển.
Một số doanh nghiệp đánh giá, hiện các cơ sở hạ tầng khu vực cảng biển sau quá trình khai thác đã xuống cấp, hư hỏng; mong muốn việc thu phí có thể bổ sung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa.
[Thu hút các nhà đầu tư 'rót tiền' vào hạ tầng cảng biển]
Doanh nghiệp cũng đề nghị thành phố minh bạch trong sử dụng khoản thu và đầu tư những công trình cụ thể để đảm bảo hiệu quả của đề án.
Theo ông Võ Tiến Dũng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn giao nhận vận tải Bầu Trời Xanh, chia sẻ với chi phí từ nguồn thu này, doanh nghiệp mong muốn thành phố thông báo rõ ràng trên hệ thống thông tin truyền thông và để doanh nghiệp biết được thành phố đã sử dụng, đầu tư hợp lý về cơ sở hạ tầng.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 42 cảng biển (theo danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam của Bộ Giao thông Vận tải công bố năm 2020), trong đó giai đoạn đầu triển khai thu phí tại 26 cảng biển đã kết nối hệ thống.
Cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh gồm 4 khu cảng chính: khu bến cảng Cát Lái (sông Đồng Nai); khu bến cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè); bến cảng trên sông Sài Gòn; khu bến cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp).
Trong năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh là 164,19 triệu tấn (tăng 0,65% so với năm 2020), chiếm 23,36% sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của cả nước (703 triệu tấn). Dự kiến năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố ước đạt 172,40 triệu tấn.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của sản lượng hàng hóa lưu thông qua cảng.
Điều này gây ra tình trạng ùn tắc hàng hóa và ảnh hưởng đến hoạt động giao thông tại các khu vực lân cận, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động giao nhận hàng hóa trong khu vực cảng, tăng chi phí logistics.
Hiện, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm còn chậm do chưa được giao vốn chuẩn bị đầu tư; nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 bố trí cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu kế hoạch đề ra.
Sở Giao thông Vận tải sẽ rà soát, tham mưu trình Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân thành phố bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2022 đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông và khả năng nguồn vốn của thành phố./.