Nguồn thu trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ được nộp vào ngân sách, phục vụ đầu tư hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương. Sau khi trừ đi chi phí thu phí, chi phí vận hành sẽ nộp lại ngân sách, cân đối với mục tiêu của ngân sách Trung ương.
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy chia sẻ trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8 tại Hà Nội.
Trên thế giới, việc đầu tư cho hạ tầng cần huy động rất nhiều phương thức, trong đó có phương pháp Nhà nước đầu tư xây cao tốc rồi thu phí để hoàn vốn.
"Với các tuyến cao tốc đang đầu tư cũng thực hiện theo chủ trương này. Để xác định mức thu phí thế nào, chúng tôi sẽ xác định tác động, lợi ích mang lại và đánh giá khả năng chi trả của người dân của từng dự án, trên cơ sở đó, mức phí được xây dựng một cách khoa học và có lấy ý kiến các cơ quan liên quan", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.
[Bộ GTVT: Sẽ cân đối vốn để làm Đường Vành đai 5 Hà Nội trước 2030]
Theo tính toán sơ bộ, đến năm 2030, toàn quốc cần 813.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc, trong đó đến năm 2025 cần 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.000 km và khởi công 925 km. Trong 10 năm tới, ngân sách cần đầu tư 239.000 tỷ đồng xây mới cao tốc, bình quân 24.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, đều là dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu giải pháp để đầu tư xong thu phí và hoàn vốn.
"Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chúng tôi xây dựng đề án, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ có đưa vào nội dung Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới. Song song với các tuyến thu phí, sẽ có các tuyến đường quốc lộ, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc hoặc đường quốc lộ", ông Huy nói.
Thứ trưởng khẳng định Bộ Giao thông Vận tải đã tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Từ các chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành, khai thác, lợi ích mang lại, Bộ sẽ tính toán mức thu phí đảm bảo khả năng chi trả của người dân./.