Trung tâm Khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết hơn hai năm qua, tỉnh Cà Mau có trên 400 hộ dân nuôi thủy sản dưới chân rừng ngập mặn cho thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên.
Đến nay có nhiều người phát triển sản xuất theo mô hình này, với nhiều loài thủy sản được thả nuôi như cá đối, cá chẻm, cá thòi lòi, tôm, cua, ba khía…
Rừng ngập mặn là rừng thuộc hệ nước mặn ven biển, tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời, nhưng tập trung nhiều nhất ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.
Nếu như tổng diện tích rừng ngập mặn của Cà Mau là 35.000ha thì riêng huyện Ngọc Hiển là 25.000ha.
Rừng ngập mặn chủ yếu là cây đước, cây mắm, cây vẹt. Giá trị của rừng ngập mặn chỉ làm chức năng phòng hộ, chống sạt lở ven biển, cân bằng môi trường thiên nhiên, ngoài ra, giá trị kinh tế thì rất thấp.
Trước đây người dân dùng cây đước để hầm than nhưng nay chính quyền địa phương cấm nghề hầm than nên đại bộ phận người dân sống trong rừng ngập mặn gặp rất nhiều khó khăn.
"Cái khó ló cái khôn," bà con ở đây đã mở ra cách sản xuất mới, đó là tân dụng mặt nước dưới chân rừng thả nuôi các loài thủy sản.
Ban đầu bà con nuôi tôm, nhưng nuôi tôm độc canh thu nhập hạn chế nên nhiều hộ đã mở rộng nuôi cua và nhiều loại cá.
Ông Trương Hoàn Đây, nông dân xã Đất Mũi cho biết nuôi cá dưới chân rừng rất đơn giản, chỉ cần be bờ bao để phân biệt ranh giới đất giữa hộ này với hộ khác. Cá giống tự nhiên, nuôi không cần cho thức ăn. Thời gian bắt đầu thả nuôi 3 tháng, sao đó cho thu nhập hàng ngày.
Nhờ hình thức sản xuất này, gần đây, cuộc sống của người dân đã bớt khó khăn.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết nhận thấy nghề nuôi thủy sản dưới chân rừng có lợi là giữ được rừng, đồng thời cải thiện được cuộc sống cho một bộ phận người dân ở đây nên chính quyền địa phương khuyến khích sản xuất theo mô hình này./.