Thử nghiệm trò chơi trực tuyến giúp "miễn dịch" với tin giả

Trò chơi trực tuyến mang tên "Bad News" đã chứng tỏ mang lại hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người chơi về "tin giả."
Giao diện trò chơi trực tuyến mang tên Bad News. (Nguồn: fakenewsgame.org)

Trò chơi trực tuyến mang tên "Bad News" đã chứng tỏ mang lại hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người chơi về "tin giả."

Đó là kết quả nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) và được đăng tải trên tờ Palgrave Communications số ra ngày 25/6.

Đại học Cambridge đã tiến hành nghiên cứu đối với 15.000 người chơi trò "Bad News" được Phòng nghiên cứu về ra quyết định xã hội tại Đại học Cambridge (CDSMLab) tung ra hồi năm ngoái.

[Hơn 80% người dùng Internet thừa nhận bị lừa do "tin giả"]

Kết quả cho thấy trò chơi này có thể giúp người chơi có nhận thức tốt hơn về nhận biết và phân biệt tin giả.

Cụ thể, nếu chơi trò này chỉ trong 15 phút sẽ giúp người chơi phát triển "kháng thể về tinh thần" trước những tin giả. Những người chơi trò này tin vào tin giả ít hơn 21% so với lúc trước khi chơi

Giám đốc CDSMLab, Sander van der Linden nói: "Nghiên cứu cho thấy tin giả lan truyền nhanh hơn và sâu rộng hơn so với tin thật. Do vậy việc chống lại tin giả có thể giống như cuộc chiến nắm chắc phần thua vậy."

Trò chơi này cho phép người chơi sử dụng ứng dụng trò chuyện trên Twitter, cung cấp bằng chứng được làm giả nhờ photoshop và tung tin giả. Đó là cách giúp người chơi làm quen với việc tạo tin giả để hiểu rõ bản chất của chúng.

Nhóm sáng tạo ra trò chơi này phối hợp với Bộ Ngoại giao Anh đã dịch trò chơi này sang 9 thứ tiếng, trong đó có tiếng Đức, Serbia, Ba Lan và Hy Lạp.

Tập đoàn công nghệ Facebook đã đầu tư mạnh tay nhằm ngăn chặn sự phát tán tin giả trong bối cảnh thời gian qua hãng công nghệ này liên tục công bố những chiến dịch rầm rộ nhằm chống nạn tin giả, sau khi bị chỉ trích không xử lý được các phát ngôn thù địch và những thông tin sai trái trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục