Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều áp lực do các điều kiện kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều tín hiệu phục hồi. Số thu của các sắc thuế chính từ khu vực kinh tế theo đó ghi nhận giảm sâu trong nửa đầu năm nay.
Cả ba nguồn thu đến từ khu vực nội địa, dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Thuế thu nhập cá nhân sụt giảm
Theo số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước sáu tháng năm 2023 trên địa bàn thành phố ước thực hiện 227.872 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán và giảm 6,8% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa giảm 5,6%, thu từ dầu thô giảm 6,7% và thu từ xuất nhập khẩu giảm 9,4%.
Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 150.688 tỷ đồng, đạt 49% dự toán, chiếm 66,1% tổng thu cân đối và giảm 5,6% so với cùng kỳ. Trong khoản thu này, thu từ doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện 14.738 tỷ đồng, đạt 47,4% dự toán, chiếm 6,5% tổng thu và giảm 4,6%.
Thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 46.977 tỷ đồng, đạt 53,9% dự toán, chiếm 20,6% tổng thu và tăng 5,5%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 35.617 tỷ đồng, đạt 53,9% dự toán, chiếm 15,6% tổng thu và giảm 2,9%.
Hoạt động thu từ dầu thô ước thực hiện 12.938 tỷ đồng, đạt 80,9% dự toán, chiếm 5,7% tổng thu cân đối và cũng giảm 6,7% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 64.242 tỷ đồng, đạt 44,1% dự toán, chiếm 28,2% tổng thu cân đối và giảm 9,4%.
Đánh giá về hoạt động thu ngân sách trên địa bàn trong nửa đầu năm nay, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng do bối cảnh thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp khiến hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm quy mô sản xuất, sa thải nhiều lao động...
Điều này đã tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời phản ánh ngay lên số thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong quý 2 năm 2023, các chỉ tiêu liên quan đến thu ngân sách đều giảm sâu, chỉ bằng 80-85% so với quý 2 năm 2022.
Bên cạnh đó, ngày 14/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; trong đó, thuế giá trị gia tăng mang về hơn 33.921 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước trong sáu tháng đầu năm, chỉ đạt 40,87% dự toán, bằng 86,83% so cùng kỳ.
Đáng chú ý, theo ông Lê Duy Minh, do thị trường bất động sản khó khăn, nguồn thu từ người dân trong giao dịch mua bán, hình thành tài sản đều giảm sâu, có khoản thu chỉ đạt 60% so với cùng kỳ. Trong số đó, thu từ lệ phí trước bạ trong mua bán nhà đất chuyển nhượng và thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản trong dân đều giảm mạnh.
Đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân lũy kế sáu tháng năm 2023 thu 30.911 tỷ đồng, bằng 96,77% so cùng kỳ, đây cũng là lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây số thu giảm so với cùng kỳ.
[Thu ngân sách nhà nước: Thách thức lớn với ngành tài chính]
Mặt khác, các tác động tiêu cực liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là lần đầu tiên kim ngạch nhập khẩu của thành phố ghi nhận sụt giảm sâu tới hơn 24% cũng dẫn đến số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm mạnh.
Trong năm 2023, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng thu ngân sách trên địa bàn nhưng từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, kim ngạch có thuế cũng giảm so với cùng kỳ.
Số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu theo đó chỉ bằng 90,6% so cùng kỳ, đạt hơn 44% dự toán, ảnh hưởng chung đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Tuy vậy, bức tranh thu ngân sách nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có điểm sáng, khi có hai khu vực kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ. Đó là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng 3%; thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 5,45%.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, việc thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ghi nhận sự sụt giảm, trong đó nhiều sắc thuế như thu nội địa, thuế giá giá trị gia tặng… giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến kịch bản thu ngân sách trong sáu tháng cuối năm.
Do đó, thành phố cần có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu cũng như có các sắc thuế phù hợp đảm bảo kế hoạch thu ngân sách đã được giao.
Tận dụng nguồn lực tài chính từ đất đai
Tình hình kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian gần đây, khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 1,9% trong sáu tháng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 7,1%...
Tuy vậy, kinh tế thành phố dự báo vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn như doanh nghiệp thiếu đơn hàng, áp lực trả lãi vay ngân hàng, tỷ lệ thất nghiệp còn cao, giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng…
Ngoài ra, dự kiến trong thời gian tới Quốc hội, Chính phủ sẽ có những chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ tác động đến số thu. Những điều này khiến tình hình thu ngân sách nhà nước các tháng tiếp theo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong năm nay, ngành tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp chính để nuôi dưỡng nguồn thu cũng như chống thất thu ngân sách.
Ngành tài chính thành phố sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thu chỉ ngân sách, triển khai các giải pháp nhằm thu đúng thu đủ, chống thất thu, nuôi dưỡng nguồn thu, hạn chế nợ thuế mới phát sinh, triển khai các giải pháp phòng chống buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp...
Theo ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn lực tài chính liên quan đến đất đai và bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất lớn. Do đó, trong nửa cuối năm, thành phố cần có các giải pháp để khôi phục thị trường bất động sản.
Tuy nguồn thu này không phải là giải pháp dài hạn, nhưng trong ngắn hạn sẽ giúp kéo các lĩnh vực khác phát triển, như xây dựng, vật liệu xây dựng… qua đó giúp tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Riêng về nguồn lực đất đai, ông Minh cho biết ngành tài chính thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; trong đó ưu tiên phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để kịp thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Trường hợp, cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp có nhà đất sử dụng không đúng mục đích hoặc không có nhu cầu sử dụng thì Thường trực Ban Chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) phối hợp với các sở, ngành báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét thu hồi để bố trí sử dụng theo nhu cầu của thành phố hoặc đề xuất bán đấu giá để tạo nguồn thu.
Về phía Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát tháo gỡ khó khăn về pháp lý đối với các dự án trên địa bàn, sớm có phương án trình Ủy ban Nhân dân phê duyệt quyết định giao đất, để gia tăng nguồn thu từ tiền sử dụng đất và thuê đất.
Song song đó, ngành thuế thành phố sẽ tập trung các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong nửa cuối năm nay. Theo đó, ngành thuế sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện gia hạn, miễn giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nộp thuế.
Ngoài ra, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc hoàn thuế giá trị gia tăng, rà soát tổng hợp những hồ sơ còn tồn đọng, phân tích và chỉ rõ những vướng vắc trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo việc hoàn thuế kịp thời và đúng quy định, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để tái sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, tập trung thực hiện công tác quản lý kê khai-kế toán thuế, tăng cường thanh tra-kiểm tra, quản lý nợ thuế... nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ quản lý thuế trên địa bàn ở mức cao nhất./.