Sáng 9/5, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng thuận lợi nhất.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể để đề xuất giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp như rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ.
Cụ thể, giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính nhằm đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu đề xuất việc lùi thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông thêm 3 tháng (đến trước ngày 30/9), giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 1-2 ngày); tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán; cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng...
Đồng thời, tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ dự án để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành tài chính cho biết kết thúc năm 2020, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, Bộ sẽ trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách Nhà nước.
Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch.
Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí cho doanh nghiệp và người dân; trong đó về gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất có giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng; các giải pháp, đề xuất về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí có giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như triển khai hệ thống khai thuế điện tử tại 63/63 Cục Thuế và 100% Chi cục Thuế trực thuộc; đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 Cục Thuế; các cục hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở đánh giá rủi ro đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa đối với mặt hàng khẩu trang xuất khẩu.
[Thủ tướng: Phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%]
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết thu ngân sách Nhà nước thời gian qua, chịu tác động bởi 4 nhân tố chính là tăng trưởng kinh tế khả năng đạt thấp; giá dầu thô giảm sâu; điều chỉnh chính sách thu ngân sách Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh và tiến độ rất chậm của sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp là một rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa, cũng như thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thực tế thu ngân sách Nhà nước quý 1/2020 vẫn đạt tiến độ kế hoạch, ước đạt 391.000 tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán, tăng 1,8% so cùng kỳ năm 2019 nhờ có một số khoản thu phát sinh cuối năm 2019 được quyết toán và nộp ngân sách vào đầu năm 2020 theo chế độ quy định.
Từ tháng Ba, khi ảnh hưởng tích cực từ nguồn thu năm 2019 chuyển sang đã hết, đồng thời tác động của dịch bệnh mạnh hơn, nhiều khoản thu đã giảm đáng kể so với tháng trước, nhất là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo dự báo sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp tăng trưởng kinh tế nếu chỉ đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 30-35 USD/thùng và thực hiện các biện pháp giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, đồng thời cơ bản chưa thu được khoản tiền bán vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thì thu ngân sách Nhà nước năm 2020 có khả năng giảm khoảng 130.000-150.000 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương giảm khoảng 90.000-110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm khoảng 40.000 tỷ đồng.
Trường hợp dịch kéo dài hơn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn ở mức dưới 5%, thậm chí dưới 4% như dự báo của các tổ chức quốc tế, thu ngân sách Nhà nước dự kiến giảm lớn hơn, nhất là số thu ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động lớn đến hoạt động cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước.
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán thì phải xem xét, điều chỉnh giảm tương ứng một số khoản chi để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện cần thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trước tác động của dịch bệnh, vẫn phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng.
Do đó, trong điều kiện thu ngân sách dự kiến giảm, chi ngân sách tăng, cân đối ngân sách Nhà nước rất khó khăn, Bộ Tài chính đã có các giải pháp đẩy mạnh kiểm soát chi tiêu, triệt để tiết kiệm để cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên không thực sự cần thiết; các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm tối thiểu 30% dự toán kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% dự toán kinh phí công tác nước ngoài trong 9 tháng cuối năm 2020.
Song song với đó là sử dụng từ nguồn dự phòng, nguồn vượt thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch COVID-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ cân đối ngân sách./.