Bỏ phố đông về với xanh xanh cù lao

Thử một lần bỏ phố đông về với xanh xanh chốn cù lao

Mảnh đất Vĩnh Long với những con người nhiệt thành, chất phác đã đón chúng tôi bằng tất cả sự cởi mở, dễ thương mà họ có.
Con đường nhỏ xuyên quanh cù lao An Bình. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Giờ đây, khi người phố đã quá chán nản với các loại dịch vụ chặt chém, thừa thãi những inh ỏi tàu xe, mệt mỏi với tắc đường, khói bụi và tù túng trong những căn nhà ống thiếu sắc xanh của thiên nhiên, cây cỏ thì họ lại thèm được về quê hái quả, bắt sâu, nằm võng, thả hồn giữa mênh mang gió sông.

Và, mảnh đất Vĩnh Long với những con người nhiệt thành, chất phác đã đón chúng tôi bằng tất cả sự cởi mở, dễ thương họ có. Sau chuyến đi với nhiều cuộc tiếp xúc ấy tôi có một niềm tin, rằng chính khí hậu quanh năm mát mẻ và sự trù phú của hoa màu, cây trái miệt vườn nhiệt đới đã góp phần lớn tạo nên tính cách phóng khoáng, hòa nhã của người dân vùng sông nước.

Nếu có dịp đến đây bạn sẽ không chỉ ấn tượng những vườn cây ăn trái quanh năm xum xuê mà còn lưu luyến cả những bác nông dân chính hiệu ngày ngày mải mê làm du lịch sinh thái.

Chầm chậm đạp xe trên con đường nhỏ ngoằn nghoèo thi thoảng được chấm phá bằng mấy vạt hoa dại nở bung sắc, thấy mình lọt thỏm giữa những tán cây quả trĩu trịt, rồi hít hà căng lồng ngực bầu không khí trong lành gió sông mang đến, hay ngồi đung đưa trên chiếc võng giăng dưới tán cây mát rười rượi, thoảng hương hoa mận trắng muốt, đó thực sự là cảm giác thư thái tuyệt vời tôi từng ước ao có thể kéo dài mãi khi lần đầu tiên đặt chân đến cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long).

Nằm yên bình giữa hai dòng sông Tiền và sông Cổ Chiên thuộc nhánh sông Mêkông, đất cù lao màu mỡ đã dung dưỡng bao đời nông dân hiền hòa, quanh năm tỉ mẩn chăm sóc từng gốc cây và đợi ngày hái quả.

Con đường bê tông rộng chừng hơn mét với một bên là dòng kênh lững lờ bèo trôi và một bên trải dài vườn cây trái nối tiếp nhau sẽ dẫn bạn khám phá một thế giới cù lao xanh ngắt.

Trái cây trĩu cành. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Không có ôtô, xe máy cũng ít, người dân thì sống hồn hậu, nhà cách nhà bằng “giậu mồng tơi” nên ở đây giống như một thế giới khác mà tôi vừa lạc vào. Nơi mỗi hộ dân thường có nhiều hơn năm công đất (mỗi công 1.000 m2), trồng đủ các loại mận, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, nhãn tiêu… và cây cảnh bon-sai để đón khách tới thăm bốn mùa. Nơi mà người dân đối đãi với nhau bằng tình làng nghĩa xóm đúng kiểu “tối lửa tắt đèn” có nhau.

Chưa đầu tư xây dựng nhiều nên ở cù lao An Bình chỉ có khu du lịch sinh thái Vinh Sang là quy mô nhất phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ cho du khách thập phương.

Đặt chiếc ghe nhỏ, sáng sớm tôi đi thăm chợ nổi Cái Bè nằm trên đoạn sông Tiền Giang, điểm giao nhau giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ nổi Cái Bè lớn nhất miền Tây Nam Bộ nên đến đây bạn tha hồ thưởng thức đặc sản địa phương và trên đường đi có thể ghé thăm những làng nghề làm gốm, làm bánh tráng, làm kẹo dừa… của cả người dân Tiền Giang và Bến Tre. Tôi gọi đây là tour “3 trong 1,” vì thăm thú được cả ba tỉnh bên sông trong ngày.

Hết cả ngày lênh đênh sông nước, chiều về lại cù lao hãy ghé qua một nhà vườn bất kỳ để ăn tối. Điều thích thú nhất là bạn có thể chọn ăn gà, vịt hay cá… và các loại rau theo yêu cầu hoàn toàn “cây nhà lá vườn.”

Trong lúc chờ gia chủ chế biến, lang thang trong vườn hái trái cây chín rồi nằm võng thư giãn thật chẳng gì thú bằng. Nếu muốn nghe đờn ca tài tử chủ vườn sẽ gọi giúp bạn một “gánh hát” kiểu gia đình với giá vô cùng phải chăng, giống như bộ ba bố con nhà Bình An.

Tuy ở tuổi mới hết phổ thông nhưng em đã có thâm niên theo anh trai và bố đi hát nhiều năm. Cô thiếu nữ miền Tây Nam Bộ xinh xắn, trắng trẻo, cao ráo lại ca ngọt như mía lùi và có chiếc răng khểnh rõ duyên. Điều đáng tiếc nhất có lẽ là em nghỉ học sớm quá, khi mới hết lớp 9. Mà nghiệp cầm ca đâu thể kéo dài mãi...

Hỏi nếu không đi hát em muốn làm gì, em bảo muốn lên thành phố (tức Thành phố Hồ Chí Minh) kiếm việc làm. Lại hỏi em không học, không có nghề nghiệp thì làm được gì? Cô gái mới lớn ở cù lao xanh nhìn bâng quơ xa xa, ngập ngừng nói khẽ như gió thoảng “em sẽ học...”./.

Cô gái miền Tây Binh An có giọng ca ngọt như mía lùi. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục