Thủ lĩnh đối lập Ukraine được đề nghị nhận chức Thủ tướng

Trong đội thái "xuống thang" bất ngờ, Tổng thống Yanukovich đã đề nghị trao chức Thủ tướng cho thủ lĩnh đối lập Arseniy Yatsenyuk.
Ông Arseniy Yatsenyuk trong cuộc họp quốc hội ở Kiev ngày 16/9/2008. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính quyền Ukraine đã có những động thái nhằm giải quyết xung đột gia tăng tại nước này.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Viktor Yanukovich đã đề nghị trao chức Thủ tướng cho thủ lĩnh khối đảng "Batkivshina" đối lập Arseniy Yatsenyuk và trao chức Phó Thủ tướng cho ông Vitali Klitschko, thủ lĩnh đảng UDAR đối lập.

Tuy nhiên, hai thủ lĩnh trên vẫn chưa đưa ra câu trả lời trực tiếp cho đề nghị này.

Bình luận với báo giới, ông Yatsenyuk cho biết ông chưa đồng ý nhưng cũng không bác bỏ đề xuất của Tổng thống.

Ông Yatsenyuk tuyên bố phe đối lập đồng ý nhận trách nhiệm "về số phận Ukraine," nhưng phải theo điều kiện do họ đặt ra. Còn ông Klitschko khẳng định phe đối lập vẫn giữ nguyên yêu cầu bầu cử tổng thống trước thời hạn ngay trong năm nay, chứ không phải năm 2015 theo kế hoạch.

Sau cuộc gặp gỡ lần thứ 3 kéo dài hơn 3 giờ giữa Tổng thống và nhóm công tác giải quyết khủng hoảng chính trị với thủ lĩnh các khối đại biểu đối lập trong quốc hội ngày 25/1, Bộ trưởng Tư pháp bà Elena Lukash cho biết Tổng thống tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tình huống xung đột bằng con đường hòa bình.

Ngoài đề xuất mang tính nhượng bộ rất lớn trên, Tổng thống Yanukovych cũng cam kết xem xét sửa đổi Hiến pháp Ukraine, hiện đang trao cho người đứng đầu nhà nước nhiều quyền lực, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý hoặc qua cơ quan lập pháp.

Bà Lukash cũng xác nhận trong trường hợp ông Yatsenyuk đồng ý, Tổng thống Ukraine sẽ thông qua quyết định cải cách chính phủ.

Kể từ ngày 25/1, làn sóng tấn công trụ sở chính quyền các tỉnh tiếp tục gia tăng tại Ukraine. Sáng sớm 26/1, người biểu tình đã chiếm giữ trụ sở chính quyền của 12 tỉnh, phong tỏa 4 trụ sở tỉnh khác trong tổng số 27 tỉnh thành trên cả nước. Theo các chính trị gia nước này, vị trí các tỉnh bị chiếm giữ vạch ra bản đồ phân chia đất nước rất rõ ràng, không chỉ theo địa lý thành hai miền Đông-Tây, mà còn theo lợi ích địa chính trị.

Đến rạng sáng 26/1, Trung tâm hội nghị quốc tế "Nhà Ukraine" (ICC) tại Kiev đã trở thành địa điểm giao tranh tiếp theo giữa người biểu tình và cảnh sát.

Lực lượng an ninh bên trong tòa nhà ICC đang bị bao vây và buộc phải đáp trả bằng lựu đạn gây choáng. Những người biểu tình đã ném bom xăng và đập vỡ cửa sổ của tòa nhà ICC và đột nhập vào trong tòa nhà, trong một nỗ lực dường như nhằm ngăn chặn các lực lượng an ninh bên trong tòa nhà.

Đây là diễn biến khá bất ngờ vì trước đó, tình hình tại khu vực trung tâm thủ đô Kiev khá yên tĩnh, không có xung đột giữa hai phe.

Hiện chưa rõ ai ra lệnh tấn công Trung tâm, và các phương tiện truyền thông cũng không ghi nhận được một thủ lĩnh đối lập nào có mặt tại đây.

Một số người tấn công cho biết lý do họ tấn công Trung tâm là vì trưa 25/1, ICC đã được trưng dụng làm căn cứ của các lực lượng đặc nhiệm "Berkut" của Ukraine.

Phe biểu tình lo ngại lực lượng này sẽ tận dụng vị trí và "tấn công" vào "hậu phương" của đám đông biểu tình trên phố Grushevskogo.

Phát biểu với những người biểu tình, lãnh đạo đảng cánh hữu Tự do (Svoboda) Oleg Tyagnybok cũng nhấn mạnh rằng "cuộc chiến vẫn tiếp tục” và hối thúc mọi người tại Ukraine tiếp tục đến Quảng trường Độc lập để biểu tình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục