Thủ lĩnh đối lập Thái Lan lôi kéo nông dân về phía mình

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban kêu gọi người nông dân trên toàn quốc đứng về phía mình, với cam kết sẽ thanh toán các khoản nợ trợ giá gạo.
Người biểu tình phản đối chính phủ ở Bangkok. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày thứ chín của chiến dịch đóng cửa Bangkok, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã trực tiếp xuống đường để thuyết phục người dân thủ đô ủng hộ cho việc lật đổ cái ông này gọi là "chế độ Thaksin."

Ông Suthep đã tuyên bố rằng người biểu tình sẽ giành chiến thắng trước khi cuộc bầu cử ngày 2/2 diễn ra bởi phần lớn các cơ quan chính quyền ở miền Nam đã bị người biểu tình phong tỏa và chiếm giữ.

Ông Suthep cũng đang kêu gọi người nông dân trên toàn quốc đứng về phía mình, với cam kết họ sẽ được thanh toán các khoản nợ trong chương trình trợ giá gạo ngay khi phong trào biểu tình thực hiện được mục tiêu buộc chính phủ từ chức.

Hiện tại nông dân ở các tỉnh miền Bắc, Đông Bắc và miền Trung đã tiến hành phong tỏa một số tuyết đường cao tốc để đòi lại số gạo mà họ đã chuyển cho chương trình trợ giá gạo của chính phủ.

Chính phủ Thái Lan đang cần hơn 100 tỷ baht để trang trải cho người nông dân tham gia chương trình trợ giá gạo, nhưng trong tình hình hiện nay họ cần phải đề xuất lên Ủy ban bầu cử xem xét quyết định để tránh lạm dụng chi tiêu tạo gánh nặng cho chính phủ mới.

Tại cuộc họp của Ủy ban thực thi hòa bình và trật tự ngày 21/1, vấn đề áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đã không được bàn tới.

Tổng thư ký Ủy ban an ninh quốc gia Paradorn Pattanatabut cho rằng vấn đề chính được thảo luận tại cuộc họp này là việc phối hợp hoạt động giữa cảnh sát và quân đội để bảo vệ an ninh sau hàng loạt vụ bạo lực gần đây.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã không tham dự cuộc họp này mặc dù bà từng yêu cầu Ủy ban thực thi hòa bình và trật tự xem xét khả năng áp dụng đạo luật này nhằm đối phó với tình trạng lộn xộn hiện nay.

Giới truyền thông Thái Lan đưa tin rằng quân đội không ủng hộ việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp với lý do những vụ bạo lực vừa qua là do một nhóm chuyên gây rối tạo ra.

Tuy nhiên, quân đội cũng lên tiếng báo động về khả năng xảy ra thêm bạo lực tại các điểm biểu tình sau khi lực lượng chức năng phát hiện có vũ khí và vật liệu nổ đang được chuyển vào Bangkok.

Theo giới chức quân đội, số vũ khí bị phát hiện này đang được tuồn lậu vào thủ đô để thực hiện ý đồ đen tối trong lúc tình hình đang lộn xộn. Thông tin này đã làm gia tăng thêm những lo ngại về cuộc xung đột chính trị hiện nay.

Trước tình hình hiện tại, Ủy ban bầu cử quốc gia đã thông báo rằng họ sẽ đề nghị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về việc chính phủ hay Ủy ban bầu cử được quyền hoãn cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Dự kiến đề nghị này sẽ được gửi lên tòa án vào ngày 22/1.

Đề xuất hoãn bầu cử của Ủy ban bầu cử quốc gia dựa trên thực tế là 28 khu vực bầu cử không thể tổ chức bỏ phiếu và điều này sẽ khiến không đủ số lượng nghị sỹ theo yêu cầu (475 người) để tổ chức phiên họp đầu tiên tại Hạ viện.

Ủy ban bầu cử đánh giá rằng Tòa án hiến pháp sẽ giải quyết những tranh cãi theo hướng ủng hộ đề xuất hoãn bầu cử của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục