Thủ lĩnh biểu tình hối thúc người ủng hộ ngăn cản bầu cử

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban hối thúc những người ủng hộ di chuyển tới khu vực đăng ký bầu cử nhằm gây cản trở cho tiến trình tổng tuyển cử.
Thủ lĩnh biểu tình hối thúc người ủng hộ ngăn cản bầu cử ảnh 1Thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Thái Lan Suthep Thaugsuban. (Nguồn: Hà Linh/Vietnam+)

Sau gần một ngày tuần hành xung quanh thủ đô Bangkok, thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Thái Lan Suthep Thaugsuban tiếp tục hối thúc những người ủng hộ di chuyển tới khu vực đăng ký bầu cử nhằm gây cản trở cho tiến trình tổng tuyển cử.

Theo ông Suthep, Ủy ban bầu cử sẽ bắt đầu tiếp nhận đăng ký ứng cử viên theo danh sách đảng từ 23/12 và những người biểu tình cần phải ngăn cản công tác đó. Chính phủ tạm quyền và Ủy ban bầu cử sẽ phải liên tục kháng cự trước sức mạnh của nhân dân nếu họ muốn cuộc tổng tuyển cử diễn ra trước khi đất nước được cải cách.

Ông Suthep cao hứng tuyên bố rằng Ủy ban bầu cử sẽ là "kẻ thù của nhân dân" nếu họ tiếp tục tổ chức cuộc bầu cử. Nếu chính phủ và Ủy ban bầu cử tiếp tục thực hiện kế hoạch của họ, tức là họ đang thách thức nhân dân và họ sẽ phải đối mặt với người biểu tình.

Ông này nói rằng người biểu tình sẽ tổ chức biểu tình trong một tuần lễ nếu Thủ tướng Yingluck Shinawatra không chấp nhận từ chức. Với những tuyên bố này, có lẽ ông Suthep đang nung nấu việc thực hiện một cuộc cách mạng nhân dân thay cho những cuộc đảo chính của quân đội và tư pháp từng xảy ra trước đây.

Năm 2006, quân đội Thái Lan từng làm đảo chính và tiếp theo là hai cuộc "đảo chính tư pháp" thông qua việc giải tán hai đảng Người Thái yêu người Thái và Quyền lực nhân dân để loại bỏ "chế độ Thaksin". Nhưng đến thời điểm này, sau 7 năm, những người biểu tình đại diện cho giới quân sự làm đảo chính và phe áo vàng vẫn dùng đúng điệp khúc trước đây để chống chính phủ của bà Yingluck, em gái ông Thaksin.

Những người ủng hộ cho phong trào biểu tình hiện nay cũng từng góp phần tạo nên bản hiến pháp 2007 ở Thái Lan được họ coi là chặt chẽ và sẽ ngăn chặn được gian lận trong bầu cử. Giờ đây, họ cũng lại phủ nhận tất cả và muốn thành lập một Hội đồng nhân dân để thực hiện thêm một cuộc cải cách nữa. Nhưng chi tiết của kế hoạch cải cách này thế nào thì chưa ai biết.

Các thủ lĩnh biểu tình ước tính có khoảng hơn 3 triệu người đã tham gia các cuộc tuần hành ở khắp Bangkok ngày 22/12, trong khi các lực lượng an ninh ước tính có khoảng hơn 250.000 người tham gia các cuộc biểu tình này.

Số lượng lớn người biểu tình tham gia tuần hành ở các điểm nút giao thông lớn và trung tâm thương mại đã khiến cho hoạt động giao thông ở Bangkok, vốn rất khó khăn, đã trở nên ngưng trệ. Các hệ thống tàu điện ngầm và trên cao, luôn góp phần giải tỏa ách tác giao thông cho thủ đô, trong ngày 22/12 cũng kín đặc người.

Một số người biểu tình cũng đã tới cả khu tư gia của Thủ tướng Yingluck để bày tỏ sự phản đối và yêu cầu thủ tướng từ chức.

Trong khi đó, Thủ tướng Yingluck và đảng Vì Thái Lan vẫn khẳng định sẽ xúc tiến bầu cử theo đúng lịch trình và thực hiện các tiến trình cải cách theo luật pháp. Dự kiến đảng Vì Thái Lan sẽ đăng ký 125 ứng cử viên theo danh sách đảng và 375 ứng cử viên theo khu vực bầu cử.

Ủy ban bầu cử đã ra tuyên bố vào tối 22/12 khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện việc đăng ký ứng cử viên theo kế hoạch từ 23/12. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp của năm ủy viên bầu cử bất chấp sức ép của người biểu tình. Ủy ban bầu cử khẳng định họ cũng có kế hoạch dự phòng trong trường hợp tình hình trở nên hỗn loạn, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Phía đảng Vì Thái Lan đã hối thúc Ủy ban bầu cử có những hành động đúng pháp luật đối với người biểu tình nếu họ tấn công điểm đăng ký bầu cử và ngăn cản ứng cử viên thực hiện việc đăng ký chuẩn bị cho bầu cử.

Đảng này cho rằng việc những người Dân chủ tảy chay bầu cử là hành động đáng xấu hổ khi mà họ luôn tuyên bố muốn bảo vệ nền dân chủ. Nếu cuộc bầu cử không diễn ra, sẽ không thể thực hiện được tiến trình cải cách chính trị cho Thái Lan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục