“Tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có thể suy giảm. Thêm vào đó, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, do đó Việt Nam khó đạt được mục tiêu về chất lượng và hiệu quả kinh tế-xã hội nếu không sàng lọc các dự án FDI chất lượng cao.”
Đây là nhận định của Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đưa ra tại lễ công bố “Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,” ngày 10/5, do VAFIE tổ chức.
Mục tiêu về lượng… “trong tầm tay”
Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị đề ra các mục tiêu thu hút FDI trong giai đoạn 2021-2025 với số vốn đăng ký 150-200 tỷ USD, vốn thực hiện 100-150 tỷ USD; tương ứng giai đoạn 2026-2030 là 200-300 tỷ USD và 150-200 tỷ USD.
Về chất lượng, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao phấn đấu tăng 50%, tỷ trọng lao động qua đào tạo tăng 70%, tỷ lệ nội địa hóa tăng 30% vào năm 2025 và tăng tương ứng 100%; 80% và 40% vào năm 2030 (so với 2018).
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước chủ trương thu hút FDI vào kinh tế xanh cũng như quá trình chuyển giao công nghệ xanh (tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh).
Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng mục tiêu về số lượng đặt ra tại Nghị quyết là hoàn toàn có thể thực hiện được trên cơ sở Việt Nam có thể chế chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định với thị trường gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hơn thế, Việt Nam đang có nhiều điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí dịch chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo cũng chỉ ra phần lớn nhà đầu tư nước ngoài nhận định Việt Nam là thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) hấp dẫn năm 2022 và những năm tiếp theo.
“Thực tế ghi nhận trong năm 2021, nền kinh tế thế giới và FDI toàn cầu cũng như kinh tế trong nước chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tuy nhiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động của khu vực FDI vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ và được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam,” giáo sư nói.
Theo báo cáo, Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số các nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Cụ thể, năm 2021, vốn đăng ký đạt 31 tỷ USD, tăng 9% và vốn thực hiện đạt gần 20 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với năm 2020. Lũy kế đến 20/12/2021, Việt Nam đã thu hút được 408 tỷ USD với trên 35.500 dự án FDI còn hiệu lực đồng thời số vốn đã giải ngân đạt 251 tỷ USD, đạt 62% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Đóng góp chưa tương xứng với ưu đãi được hưởng
Tuy nhiên về mặt chất lượng của các dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm này, báo cáo chỉ ra còn khá nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục.
Trên thực tế, số dự án công nghệ cao từ những nền kinh tế phát triển (như Mỹ và châu Âu) vào Việt Nam là khá ít đồng thời số doanh nghiệp thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn chưa đáng kể. Cụ thể, số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và Châu Âu chỉ chiếm 5%, công nghệ trung bình chiếm 80%, công nghệ lạc hậu chiếm 15%.
Hơn thế nữa, khu vực kinh tế FDI mặc dù là động lực quan trọng với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn các khu vực kinh tế khác trong nền kinh tế, song nhiều doanh nghiệp FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng với quy mô dự án cũng như những ưu đãi được hưởng.
Mặt khác, cơ cấu FDI theo vùng và địa phương hiện còn mất cân đối. Các dự án FDI tập trung chủ yếu tại các vùng có điều kiện thuận lợi như vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành phố lớn có trình độ phát triển kinh tế-xã hội cao.
Theo báo cáo, giai đoạn 2011-2020, khu vực kinh tế FDI chiếm bình quân 28% tổng thu ngân sách nhà nước; trong đó Vĩnh Phúc (93,5%), Bắc Ninh (72%), Đồng Nai (63%), Bắc Giang (60%) và Bình Dương (52%).
Cần có Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI
Nhằm khắc phục những mặt trái, bất cập và tăng cường thu hút, nâng cao hơn nữa hiệu quả FDI, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Song với tình hình thực tế nêu trên, giáo sư Nguyễn Mại cho rằng trong một thập kỷ tới, mục tiêu về chất theo Nghị quyết đề ra là khó thực hiện.
Để khắc phục những tồn tại đồng thời triển khai huy động những dự án mới đảm bảo về chất theo mục tiêu để ra, nhóm nghiên cứu báo cáo đề xuất một số giải pháp, trong đó kiến nghị chính sách và khuôn khổ pháp luật về đầu tư-kinh doanh cần có sự đồng bộ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu các mô hình khu thương mại tự do, trung tâm tài chính với chiến lược phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2021-2030 hướng tới chủ trương sẽ áp dụng “thuế tối thiểu toàn cầu” tại Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng FDI, giáo sư Nguyễn Mại kiến nghị cần có sự đổi mới nhận thức và thống nhất hành động. Hơn nữa, các cơ quan hữu quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát về đầu tư đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện quy định Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài.
“Chính phủ cần sớm ban hành Quyết định về Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI, chỉ đạo các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm chỉnh trong quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI,” giáo sư trao đổi.
Trên cơ sở yếu tố con người là quyết định, giáo sư Nguyễn Mại nhấn mạnh để đạt được những mục tiêu đặt ra, Việt Nam cần nâng cao hiệu năng quản lý Nhà nước về FDI, như đổi mới và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư, thẩm định, kiểm tra, giám sát đồng thời đẩy nhanh cải cách bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống công chức./.