Ngày 16/8 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nhóm công tác Ngân hàng tổ chức Hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thời gian vừa qua, Việt Nam và thế giới đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có như đại dịch COVID-19, bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu, suy giảm kinh tế toàn cầu… Cùng với cả nước, ngành ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đối phó với tác động tiêu cực của dịch bệnh, phát huy được vai trò huyết mạch của nền kinh tế, qua đó góp phần vào sự phục hồi, ổn định của nền kinh tế.
[Việt Nam kêu gọi bảo đảm thực thi các cam kết về tài chính khí hậu]
Cũng theo Thống đốc, ngành ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với một loạt những hoạt động, kết quả quan trọng; cụ thể là phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh…
Trong khi đó, bà Michele Wee-Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cũng mạnh để đạt được các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, tài chính được đánh giá là yêu tố cốt lõi quyết định quá trình chuyển đổi này. Sự hỗ trợ của chính phủ cần được củng cố bằng sự tham gia và các hành động thiết thực của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn tài chính từ khu vực công và tư nhân.
“Để đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án các-bon thấp. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sứ mệnh quan trọng hướng tới phát triển bền vững và cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường,” bà Michele Wee kiến nghị.
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bịch Ngọc- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD, trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%.
Theo bà Ngọc, để thực hiện được mục tiêu thu hút các nguồn lực, cần tập trung 4 nhóm giải pháp là xây dựng chính sách; nâng cao tiếp cận tài chính xanh; xây dựng thể chế đầu tư bền vững và nâng cao tính minh bạch trong thực hiện tài chính xanh.
Phát triển xanh và phát triển bền vững ngày càng trở thành vấn đề thời sự trong phát triển của thế giới. Hội nghị là cơ hội để các bên liên quan có thể trao đổi, chia sẻ và thu thập các nguồn thông tin quan trọng từ phía Chính phủ Việt Nam về định hướng, chính sách về phát triển xanh và phát triển bền vững nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện các mục tiêu cam kết tại COP26 cũng như lắng nghe chia sẻ, trao đổi về thực tiễn triển khai và những kiến nghị đề xuất từ các đối tác tiềm năng đê thu hút các nguồn lực tài chính nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện một số mục tiêu tại COP26. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan có thể xem xét, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ các giải pháp phù hợp, thích nghi với tình hình và xu hướng mới.
Vì vậy, các đại biểu cho rằng các quốc gia cần khẩn trương xây dựng chính sách, kịch bản phù hợp để đối phó, thích ứng với những tác động này. Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Trong bối cảnh này, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững./.