Thu hút doanh nghiệp Nhật đầu tư vào khu vực ĐBSCL

Là vựa lúa lớn nhất trên cả nước, khu vực ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Cánh đồng lúa xen hoa màu tại Cần Thơ. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Là vựa lúa lớn nhất cả nước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế và tiềm năng để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ngày 1/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức hội nghị hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Nhật Bản và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị nhằm thông tin cho các doanh nghiệp Nhật Bản về những lợi thế và tiềm năng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi từ trước đến nay thu hút rất ít các dự án đầu tư từ Nhật Bản.

Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và lãnh đạo của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thông tin về các chính sách, chế độ ưu đãi, thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp quan tâm đến khu vực, đặc biệt là hợp tác khai thác những thế mạnh, tiềm năng của vùng để phát triển.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện mạng lưới giao thông, thủy lợi của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư hoàn thiện, trong đó hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp trong vùng luôn có chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư.

Ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho biết thông thường, lộ trình của các doanh nghiệp Nhật Bản khi sang Việt Nam chủ yếu là tới thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một vài điểm khác. Trong khi đó, ở những vùng khác của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác nhiều như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Là vựa lúa lớn nhất cả nước và là trung tâm phát triển nông nghiệp của Việt Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng hợp tác với Nhật Bản; hội tụ  nhiều yếu tố thuận lợi giúp cho việc hợp tác được thành công, nhất là về kinh tế trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Ông Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản đánh giá, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam có mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Đây là một trong những yếu tố thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, luôn xem Việt Nam là một điểm đến tiềm năng nhất.

Đồng bằng sông Cửu Long có 12 tỉnh và một thành phố, với dân số gần 18 triệu người với vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thế mạnh của vùng là có nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển, với mức đóng góp khoảng 20% GDP cả nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục