Thu hồi SIM di động có dấu hiệu kích hoạt sẵn: Khi đầu đã xuôi…

Dù tin nhắn rác, SIM rác đã giảm sau những đợt "tấn công" của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, song vẫn còn nhiều việc phải làm để thị trường viễn thông phát triển bền vững không "bắt cóc bỏ đĩa."
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định quyết tâm có một cơ sở dữ liệu thuê bao đầy đủ. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau hai đợt vào cuộc quyết liệt của nhà nước và doanh nghiệp, đã có gần 16 triệu SIM rác bị khóa, vấn nạn tin nhắn rác đã giảm rõ rệt… Tuy nhiên, vẫn sẽ còn những việc mà nhà chức trách phải tiếp tục quyết liệt để thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

16 triệu SIM bị “trảm”

Tại Hội nghị sơ kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối của các doanh nghiệp viễn thông di động diễn ra sáng 20/1 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tính tới 15/1 đã phát hiện hơn 17 triệu SIM có dậu hiệu kích hoạt sẵn và khóa gần 16 triệu SIM.

Con số này được thống kê từ hai đợt rà soát, xác định SIM kích hoạt trên kênh phân phối của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Cụ thể, việc triển khai của 3 doanh nghiệp viễn thông di động lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 diễn ra từ 3- 21/11/2016 nhằm thu hồi các SIM được kích hoạt sẵn trong khoảng thời gian từ 1/4-30/9/2016. Giai đoạn 2 từ 5-22/12/2016 nhằm thu hồi các SIM được kích hoạt sẵn trong tháng 10/2016. Đối với Gmobile và Vietnamobile, việc triển khai lùi 1 tháng so với doanh nghiệp lớn trên và dự kiến kết thúc vào ngày 22/1/2017.

Theo đó, ngày 21/11/2016, số lượng SIM rác bị khóa là gần 11,1 triệu SIM. Trong đó, Viettel khóa gần 3,7 triệu SIM, VinaPhone khóa gần 3,8 triệu SIM, MobiFone gần 3,3 triệu SIM, Vietnamobile là 262.000 SIM, Gmobile là 73.000 SIM.

(Biểu đồ tổng số SIM kích hoạt sẵn từ ngày 1/4-30/9/2016 bị khóa vào ngày 21/11).

Tới ngày 22/12/2016, MobiFone khóa thêm 879.000 SIM, VinaPhone là 1,4 triệu SIM và Viettel là 2,35 triệu SIM và tới ngày 30/12/2016, Vietnamobile và Gmobile đã xác định số SIM nghi vấn lần lượt là 24.878 SIM và 14.508 SIM.

Cũng theo ông Trung, tại các địa phương, các Sở Thông tin và Truyền thông cũng vào cuộc tích cực. Một số Sở như Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Nam… đã yêu cầu chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn, tuân thủ quy định về pháp luật.

Đạt được những thành công, song ông Nguyễn Đức Trung cũng nêu ra những tồn tại. Đó là việc chất lượng thuê bao đăng ký lại không đạt yêu cầu. Tình trạng thông tin cá nhân được đăng ký lại không chính xác, sử dụng giấy tờ không đúng quy định, lợi dụng danh nghĩa tổ chức, doanh nghiệp để đăng ký lại hoặc đăng ký vượt quá số lượng thuê bao theo quy định.

“Đặc biệt, trong giai đoạn đầu kiểm tra xác suất có doanh nghiệp tỷ lệ thông tin sai tới 60% và Bộ đã có văn bản chấn chỉnh ngay vi phạm,” ông Trung cho biết.

(Biểu đồ tổng số SIM kích hoạt sẵn trong tháng 10/2016).

Rà soát thông tin thuê bao đang hoạt động

Người đứng đầu Cục Viễn thông cũng cho biết sắp tới sẽ có những “đòn đánh” mạnh hơn nhằm loại bỏ việc mua bán SIM lưu thông kích hoạt sẵn.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ xem xét, dự kiến ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP và Điều 30, Nghị định 174/2003/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tinh thần chung là các doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.

Các nội dung quan trọng được đề cập là thống nhất điểm cung cấp SIM và đăng ký thông tin thuê bao. Theo đó chỉ có các điểm cung cấp dịch vụ do doanh nghiệp thiết lập hoặc ký hợp đồng ủy quyền mới được cung cấp SIM; Bổ sung điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động; Doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả ủy quyền; Đưa ra mức phạt nặng cho các hành vi vi phạm với từng chủ thể, đặc biệt là doanh nghiệp viễn thông buông lỏng quản lý hoặc cố tình cung cấp dịch vụ sai quy định.

Thực tế, thị trường hiện nay có khoảng 131 triệu thuê bao và những việc làm vừa qua mới chỉ là thu hồi trên kênh phân phối. Và do đó, cần phải xác định việc đăng ký thông tin chính xác của các thuê bao đang hoạt động.

Ông Trung cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp có 12 tháng để tổ chức lại kinh doanh và rà soát, triển khai việc đăng ký lại thông tin đối với các thuê bao đang hoạt động.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho rằng, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần trao đổi, thống nhất xem xét sự cần thiết, đề ra các giải pháp tiếp tục ký kết, triển khai thu hồi, xử lý SIM kích hoạt sẵn theo tiêu chí mới. Cùng lúc, các cơ quan chức năng phải có phương án kiểm tra, rà soát và xử nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh SIM sai quy định.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TL)

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định trải qua 20 năm phát triển, có lẽ đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp viễn thông di động cùng ngồi lại với nhau để trao đổi, bàn bạc, thống nhất, ký cam kết và công bố công khai với xã hội để cùng giải quyết một vấn đề lớn.

Ông cũng nhấn mạnh việc cần thiết có một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và chính xác để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, hạn chế tin nhắn rác và đặc biệt là tạo nền tảng cho hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội trên mạng. Và, đây là việc Bộ này quyết tâm làm.

Bên cạnh đó, các quy định sắp được ban hành nói trên sẽ tác động nhiều đến doanh nghiệp trong việc buộc phải thay đổi phương thức tổ chức, kinh doanh, phải đầu tư và tăng cường trách nhiệm. Bởi vậy, ông Tuấn yêu cầu các doanh nghiệp nhận thức rõ sự cần thiết và nghiêm chỉnh chấp hành quy định mới khi Nghị định được ban hành để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Có thể thấy, trong thời gian qua, tình trạng SIM rác, tin nhắn rác đã được hạn chế. Bên cạnh việc ủng hộ, dư luận cũng rất trông chờ vào sự mạnh tay, quyết liệt hơn nữa của cơ quan quản lý để vấn nạn này dần được dẹp bỏ, tránh tình trạng “đầu đã xuôi còn đuôi không lọt...”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục