Thủ hiến nhiều bang ở Đức phản đối áp đặt trừng phạt Nga

Trước những kêu gọi áp đặt trừng phạt Nga liên quan tới cuộc chiến ở Syria, nhiều thủ hiến bang của Đức đã phản đối việc áp đặt trừng phạt Moskva, cho rằng đây không phải là giải pháp đúng đắn.
Thủ hiến nhiều bang ở Đức phản đối áp đặt trừng phạt Nga ảnh 1Hình ảnh đồng rúp tại trung tâm thủ đô Moskva ngày 6/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước những kêu gọi áp đặt trừng phạt Nga liên quan tới cuộc chiến ở Syria, nhiều thủ hiến bang của Đức đã phản đối việc áp đặt trừng phạt Moskva, cho rằng đây không phải là giải pháp đúng đắn.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phản ứng với lời kêu gọi áp đặt trừng phạt đối với Nga của nghị sỹ châu Âu Elmar Brok thuộc đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo CDU của Đức, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức Norbert Röttgen thuộc CDU và Trưởng đoàn nghị sỹ đảng Xanh trong Quốc hội Đức Katrin Göring-Eckardt, thủ hiến ba bang vùng Đông Đức gồm ông Erwin Sellering thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern, ông Stanislaw Tillich thuộc bang Sachsen và ông Reiner Haseloff thuộc bang Sachsen-Anhalt đã lên tiếng phản đối ý tưởng này.

Phát biểu với báo Tấm gương (Spiegel) của Đức, chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Erwin Sellering đã thẳng thừng phản đối yêu cầu trừng phạt Nga, đồng thời ủng hộ cách tiếp cận bằng đối thoại với Moskva.

Ông nhấn mạnh Đức và Nga có chung lợi ích khi trở lại làm đối tác gần gũi của nhau. Theo ông, Nga là một đối tác quan trọng của bang Mecklenburg-Vorpommern và bang này cũng mong muốn tiếp tục xây dựng quan hệ với Moskva trong thời gian tới.

Ông kêu gọi nhanh chóng chấm dứt các biện pháp trừng phạt hiện nay để hai bên có thể xích lại gần nhau hơn.

Những nhận định trên của ông Sellering cũng nhận được sự ủng hộ của hai người đồng cấp thuộc đảng CDU.

Thủ hiến Tillich ủng hộ đối thoại thay vì trừng phạt, đồng thời cho rằng trừng phạt chống lại một nước đơn lẻ sẽ không thể giải quyết được xung đột, bởi cuộc chiến ở Syria có nhiều bên tham gia.

Theo ông, cần phải sử dụng công cụ ngoại giao để nối lại đối thoại với Nga. Trong khi đó, Thủ hiến Haseloff cũng bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với Nga vốn sẽ kéo dài tới cuối tháng 1/2017.

Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt Moskva hiện nay không phát huy tác dụng, mặt khác gây tổn hại cho trao đổi kinh tế của các doanh nghiệp Sachsen-Anhalt vốn có quan hệ truyền thống với các doanh nghiệp Nga.

Ông cũng phản đối việc áp đặt thêm trừng phạt với Nga liên quan tới cuộc chiến ở Syria, ủng hộ tiến hành đối thoại tìm giải pháp để tránh leo thang căng thẳng.

Theo Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga Alexey Likhachev, các biện pháp trừng phạt qua lại giữa EU và Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến kim ngạch thương mại giữa Đức và Nga giảm từ 105 tỷ euro năm 2013 xuống còn 52 tỷ euro năm 2015, trong đó các bang ở Đông Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục