Nếu như cách đây hơn một năm, việc làm quen với phương pháp dạy và học trực tuyến còn nhiều bỡ ngỡ thì giờ đây, sau nhiều lần phải tạm dừng đến trường để phòng dịch COVID-19, cả học sinh, sinh viên lẫn giáo viên cũng như phụ huynh trên khắp thế giới đã dần thích nghi với mô hình giáo dục thời dịch bệnh này.
Nhiều nước vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh tiếp tục áp dụng mô hình này, song đã có nhiều đổi mới nhằm giải quyết những bất cập nảy sinh để nâng cao hiệu quả của hình thức ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập.
Trong năm học vừa qua, nhiều nước đã ứng dụng giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo việc triển khai hoạt động dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả.
Từ tháng Hai năm ngoái, tại Trung Quốc, học sinh các cấp và sinh viên đã “đến trường trên mạng." Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khởi động một chương trình điện toán đám mây quy mô toàn quốc từ ngày 17/2 nhằm cung cấp đầy đủ tài liệu giảng dạy cho tất cả các môn học chính cũng như các khóa học dành cho học sinh tiểu học và trung học. Ngoài ra, các kênh truyền hình cũng tăng cường phát sóng trực tiếp các chương trình dạy học, cung cấp kiến thức cho hơn 120 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.
Tại Mỹ, ngoài giờ học online với giáo viên, học sinh, sinh viên có thể truy cập miễn phí “kho” video bài giảng trên các nền tảng giáo dục trực tuyến như Khan Academy và TED Ed.
Nhiều bang ở Mỹ cung cấp quyền truy cập miễn phí các khóa học từ xa của các trường bán công vốn trước đây đòi hỏi học sinh, sinh viên phải vượt qua bài kiểm tra đầu vào cũng như đáp ứng được yêu cầu nhập học. Một mô hình thú vị được triển khai thành công là nền tảng Learn Everywhere, nơi các bậc phụ huynh có thể chia sẻ những nguồn tài liệu hữu ích để cùng nhau đồng hành với con em.
Tại Italy, giáo viên được quyền truy cập công cụ hội nghị truyền hình và kế hoạch bài học, trong khi Iran cho phép tất cả trẻ em truy cập Internet miễn phí. Tại một ngôi trường ở Liban, một sáng kiến đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả là áp dụng dạy-học trực tuyến đối với môn giáo dục thể chất, học sinh quay video và gửi cho giáo viên như một hình thức làm bài tập về nhà.
[Bộ GD-ĐT triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên]
Tại Việt Nam, nhiều trường đã áp dụng các khóa học, ứng dụng học tập trực tuyến bên cạnh các chương trình dạy học trên truyền hình nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, cũng như làm bài tập về nhà từ xa nhờ một số ứng dụng học trực tuyến như Zoom.us, Google Classroom, Shub Classroom.
Trưởng bộ phận Giáo dục toàn cầu của UNICEF Robert Jenkins đánh giá học từ xa là công cụ hỗ trợ nhiều trẻ em trên khắp thế giới trong thời gian trường học đóng cửa.Tuy nhiên, một năm triển khai mô hình này cũng cho thấy những bất cập cần tháo gỡ, mà lớn nhất là vấn đề bất bình đẳng và khoảng cách về tiếp cận kỹ thuật số.
UNICEF cho biết khoảng một nửa dân số thế giới (khoảng 3,6 tỷ người) vẫn thiếu kết nối Internet, điều đó có nghĩa là ít nhất 1/3 học sinh trên thế giới (khoảng 463 triệu em) từ mầm non đến trung học phổ thông không được tiếp cận bất kỳ hình thức học tập từ xa nào, 3/4 trong số đó sống ở các hộ gia đình nghèo nhất hoặc các khu vực nông thôn.
Nói cách khác phương thức học này hiện vẫn nằm ngoài khả năng của những học sinh thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Riêng đối với bậc tiểu học, ít nhất 29% học sinh tiểu học trên toàn cầu, trong đó có 20% học sinh tiểu học ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, không được tiếp cận hình thức học tập này.
Ở Đông Á và Thái Bình Dương, Liên hợp quốc ước tính rằng hơn 80 triệu trẻ em không được tiếp cận với bất kỳ chương trình giáo dục từ xa nào trong thời gian trường đóng cửa. Trường ở Uganda đã bị đóng cửa trong 306 ngày và đây là quốc gia có kết nối Internet tại nhà thấp nhất (0,3%); Nam Sudan có 231 ngày đóng cửa trường học và chưa đầy 0,5% học sinh truy cập Internet ở nhà. Tại Nam Phi, việc đóng cửa trường học có nghĩa là 400.000 đến 500.000 học sinh đã bỏ học hoàn toàn trong 16 tháng.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng bên cạnh việc thiếu thiết bị cần thiết để kết nối, việc thiếu chính sách học trực tuyến cũng là một yếu tố đáng bàn.
Theo kết quả cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu RAND Cooperation công bố mới đây, chỉ 20% trong số gần 1.000 hiệu trưởng trường học ở Mỹ được hỏi cho biết từ trước dịch COVID-19, họ đã lên phương án dạy học trong trường hợp phải đóng cửa trường lâu dài vì các nguyên nhân bất khả kháng như hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ hay dịch bệnh. Điều đó khiến giáo viên chưa được đào tạo để dạy học trực tuyến, trong khi hầu hết học sinh không có kỹ năng kết nối thiết bị kỹ thuật số thích hợp để tìm và sử dụng nội dung giáo dục phụ thuộc vào công nghệ.
UNICEF khẳng định khoảng cách kỹ thuật số bộc lộ hơn một năm qua trong việc triển khai học trực tuyến cho thấy việc kết nối và phổ cập Internet đã trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo quyền được giáo dục của trẻ em trong đại dịch. Bên cạnh đó, kỹ năng kỹ thuật số và học tập phải được đưa vào hệ thống giáo dục để giải quyết khoảng cách kỹ thuật số.
Theo các chuyên gia, để ứng phó tốt hơn với những tình huống khẩn cấp không thể lường trước, các chính phủ, cơ quan quản lý giáo dục và các trường học cần có một chiến lược toàn diện để tái cơ cấu hệ thống giáo dục, đảm bảo khả năng thích ứng với mọi sự thay đổi. Đó là việc xây dựng chiến lược cụ thể về học tập trực tuyến, để không chỉ giải quyết các vấn đề của đại dịch COVID-19, mà còn đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, khi mà nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, với đặc điểm của quốc gia số, kinh tế số và chuyển đổi số.
Quan trọng hơn cả, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng cần là trọng tâm trong chính sách phát triển bền vững, đòi hỏi nỗ lực quốc tế, trách nhiệm của các tổ chức toàn cầu, sự đồng hành của các quốc gia phát triển với những nước có điều kiện thấp hơn cũng như nỗ lực của các chính phủ, tổ chức và cộng đồng ở từng quốc gia.
Trước mắt, nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong triển khai dạy và học trực tuyến, Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ cần ưu tiên sử dụng công nghệ hiện có, bao gồm phát thanh - truyền hình, điện thoại, máy tính, ứng dụng nhắn tin hoặc các phương tiện khác để bảo đảm phổ cập giáo dục trong và sau đại dịch; có lộ trình tài trợ và vận động tài trợ cho các trường học vùng sâu, vùng xa để cung cấp dịch vụ Internet nhanh nhất nhằm bảo đảm quyền được học tập liên tục, nhất là đối với các nhóm học sinh nghèo và bị thiệt thòi, bao gồm tìm cách cung cấp quyền truy cập miễn phí và giảm giá các dịch vụ và máy tính.
Thời gian qua, ngày càng nhiều “liên minh giáo dục” được hình thành với sự tham gia tích cực của các chính phủ, cơ sở giáo dục, nhà xuất bản, chuyên gia giáo dục, nhà cung cấp giải pháp công nghệ và nhà mạng viễn thông để hỗ trợ hoạt động dạy và học trực tuyến...
Tại Mỹ, một số cơ sở giáo dục đang “bắt tay” với các đối tác để tìm giải pháp tối ưu đảm bảo việc dạy và học thời đại dịch. Một mô hình hợp tác khá thành công là Học khu thống nhất Los Angeles - hệ thống trường công lập lớn nhất về số lượng học sinh ở California và học khu công lập lớn thứ hai ở Mỹ, và PBS SoCal/KCET để cung cấp các chương trình dạy học trên truyền hình phát sóng trên các kênh riêng, mang đến những nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau.
Tổng Giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay cũng cho rằng việc dạy và học không nên chỉ giới hạn ở công cụ trực tuyến mà nên ủng hộ những phương án khác, trong đó có phương tiện phát thanh và truyền hình, cũng như sự sáng tạo, linh hoạt trong mọi phương thức học tập.
Kể từ đại dịch bùng phát khiến học sinh không được tới trường, Việt Nam cũng rất quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy và học trực tuyến, thông qua nhiều chính sách toàn diện như thúc đẩy phát triển kỹ thuật số cho vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người...; xây dựng chiến lược bài bản cho việc triển khai giảng dạy và học tập trực tuyến; tổ chức đào tạo, phát triển các kỹ năng cần thiết và nâng cao khả năng khai thác tối đa tiềm năng của phương pháp dạy học trực tuyến cho giáo viên.
Năm ngoái, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, trong bối cảnh ngành giáo dục các nước khu vực đang đối phó với COVID-19, Việt Nam đã phối hợp với UNICEF tổ chức hội nghị về chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trên toàn ASEAN nhằm nâng cao khả năng thích ứng của các nước đối với vấn đề bảo đảm quyền được giáo dục của trẻ em trong đại dịch.
Tại hội nghị này, các bộ trưởng Giáo dục ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định tầm quan trọng của nỗ lực nhằm xóa mù công nghệ, tăng cường thúc đẩy phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục của các nước thành viên ASEAN; đồng thời nhấn mạnh vai trò của trẻ em, thanh thiếu niên và công việc trong tương lai trong chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục.
Người phát ngôn UNICEF James Elder đã nhấn mạnh rằng những tổn thất mà trẻ em và thanh thiếu niên phải gánh chịu vì gián đoạn việc học có thể không bao giờ bù đắp được. Theo ông, cú sốc gián đoạn việc họcdo đại dịch gây ra sẽ có những tác động tiêu cực lâu dài, vì vậy thế giới phải tận dụng cơ hội này để đổi mới giáo dục, xây dựng hệ thống giáo dục có khả năng chống chịu tốt hơn.
Đó không chỉ là giải pháp "biến thách thức thành cơ hội" giúp ngăn chặn “thảm họa thế hệ” khi học sinh không được tiếp cận giáo dục do đại dịch, mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với tương lai của thế hệ trẻ./.