Thủ đô những ngày giãn cách: Thần tốc, đánh chặn mọi ngả đường

Rút kinh nghiệm từ 3 đợt dịch trước nên khi dịch COVID-19 tấn công trở lại, Hà Nội đã tổ chức đánh chặn từ sớm, từ xa, ngay tại nơi cửa ngõ, khóa chặt nguồn lây với nhiều mô hình hay.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã hoành hành, lan rộng ở nhiều quận, huyện, khiến bản đồ dịch của thành phố Hà Nội luôn đỏ rực. Kinh tế Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong lúc khó khăn ấy, thủ đô Hà Nội sẵn sàng, chủ động đối diện với mối hiểm nguy của dịch, tìm ra những phương thức hiệu quả, chuyển từ "phòng thủ" sang "tấn công," khoanh vùng, khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bảo vệ "vùng xanh," thực hiện hai mũi giáp công

Những ngày cuối tháng 4/2021, ngay sau khi phát hiện ca mắc trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo cả hệ thống chính trị, cùng người dân Đông Anh nói riêng và cả thành phố tổ chức "tác chiến" đánh "giặc" COVID-19.

Các "binh chủng" chống dịch đồng loạt ra quân, thần tốc truy vết nguồn lây, khoanh vùng dập dịch ngay trong đêm.

Đến sáng 30/4, Đông Anh đã cơ bản hoàn thành xác minh các trường hợp liên quan để đưa đi cách ly tập trung. Khu vực ghi nhận ca mắc thực hiện cách ly “3 lớp," từ đó có kế hoạch "tác chiến" đánh chặn COVID-19.

Mô hình này được thành phố xác định hiệu quả và nhân rộng trong các đợt giãn cách trên toàn địa bàn; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có sáng tạo trong phòng, chống dịch.

Ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh, cho biết cách thức thực hiện phong tỏa “3 lớp” đã “khóa chặt” nguồn lây theo từng mức độ, giảm thiểu ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện đã triển khai kịch bản ứng phó dịch bệnh ở mức cao nhất, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, thực hiện “3 trước” là “đánh giá nhận định trước," “chuẩn bị phương án trước," “phát hiện hành động trước” gắn với triển khai “4 tại chỗ." Người đứng đầu cấp ủy chính là "tư lệnh 4 tại chỗ," đảm bảo vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Rút kinh nghiệm từ 3 đợt dịch trước nên khi dịch COVID-19 tấn công trở lại, Hà Nội đã có chuẩn bị kỹ lưỡng, không để bị động trong phòng, chống dịch. Theo đó, thành phố đã tổ chức đánh chặn từ sớm, từ xa, ngay tại nơi cửa ngõ, khóa chặt nguồn lây với nhiều mô hình hay.

Nhằm ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào khu dân cư, thành phố đã sáng tạo thiết lập những "vùng xanh" - vùng an toàn, trong kế hoạch tác chiến của mình.

Ngay từ đầu ngõ 175 đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai) một biển báo lớn màu xanh lá cây được dựng lên cùng một sợi dây dù chăng ngang, cảnh báo người qua lại.

[Thủ đô những ngày giãn cách: Căng sức qua chiến dịch gần 60 ngày đêm]

Dòng chữ "vùng xanh" như "mệnh lệnh," yêu cầu tất cả người lạ, khách ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện thông điệp 5K; hàng hóa chỉ nhận tại bàn trực chốt; mỗi cá nhân phải có ý thức tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.

Ông Trần Văn Đàn, 65 tuổi, dân phòng phường Mai Động, chia sẻ mỗi ca trực có 3 tình nguyện viên cùng làm nhiệm vụ để giữ gìn "pháo đài" không dịch bệnh.

Từ mô hình "vùng xanh" tại Hoàng Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền toàn thành phố cần nhanh chóng triển khai, tổ chức phổ biến và thiết lập các "vùng xanh" ở địa bàn dân cư, có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định "vùng xanh," cách thức tổ chức cho người dân tự quản lý.

Một chốt kiểm soát phòng dịch ở Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thăm mô hình “vùng xanh," Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Hà Nội quyết tâm giữ gìn bằng được các "vùng xanh" trong bối cảnh dịch đang được kiểm soát. Từng khu, từng cụm thiết lập được "vùng xanh" sẽ là chìa khóa thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới.

Cùng với việc huy động người dân tham gia chống dịch theo tinh thần mỗi khu dân cư là một "pháo đài" phòng, chống dịch và chuyển trạng thái từ "phòng thủ" sang "tấn công," trong những ngày giãn cách xã hội, Hà Nội thực hiện “2 mũi giáp công” là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc.

Thành phố đã triển khai thực hiện 16 đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của Ủy ban Nhân dân thành phố. Tổng 16 đợt thực hiện tiêm được trên 5,126 triệu mũi tiêm (số mũi 1 là trên 4,721 triệu, mũi 2 là 405.269), sử dụng 4, 687 triệu liều trong tổng số trên 5,359 triệu liều vaccine được cấp, đạt 87,5%.

Đến ngày 15/9, Hà Nội cơ bản tiêm phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên và xét nghiệm diện rộng toàn thành phố cho người dân một cách an toàn, hiệu quả.

Linh hoạt, khoanh vùng, đẩy lùi dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền thành phố đã có những quyết sách linh hoạt để khoanh vùng, ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9, Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo 3 vùng (đỏ, cam, xanh). Cùng với siết chặt, khoanh vùng dập dịch ở "vùng đỏ," thành phố tạo những "vùng cam" và "vùng xanh" an toàn với dịch bệnh.

Có thể nói, Chỉ thị 20 là một trong những điều kiện tiền đề, đóng vai trò quan trọng để chuỗi cung ứng hàng hóa luôn được thông suốt. Nhiều "vùng xanh" đã được lập, một số địa phương bắt đầu thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Điển hình, tại 19/22 xã thuộc "vùng xanh" của huyện Gia Lâm, các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu được phép mở cửa bán mang về từ 6 giờ ngày 6/9 trong niềm vui vỡ òa của chính quyền và người dân.

Hà Nội đã đạt những kết quả bước đầu, kiểm soát được tình hình dịch bệnh, không để bùng phát mạnh hơn, số ca mắc mới cũng được kiềm chế. Các chuỗi lây lan, ổ dịch phức tạp đều đã cơ bản được kiểm soát. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội đã cơ bản bảo vệ được an toàn sức khỏe và tính mạng nhân dân, thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ quan trọng nhất trong phòng, chống dịch là đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên hàng đầu.

Khu vực khám sàng lọc trước tiêm tại điểm tiêm chủng quận Hoàn Kiếm, chiều 15/9. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 14/9, thành phố ghi nhận 25 ca mắc, trong đó có 23 ca tại khu cách ly; 1 ca tại khu phong tỏa; 1 ca tại cộng đồng. Ngày 15/9, số mắc trong ngày của toàn thành phố là 14 ca, trong đó có 7 ca tại khu cách ly và 7 ca tại khu phong tỏa, không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, giảm đáng kể so với thời điểm ngày 29/8 toàn thành phố ghi nhận 133 ca mắc mới.

Để có thành quả bước đầu ấy, cả hệ thống chính trị của thành phố cùng người dân đã nỗ lực không ngừng nghỉ.

Hình ảnh những bác sỹ, y tá, điều dưỡng mệt lả trong các khu điều trị, nhiều cán bộ, chiến sỹ công an phơi mình ở điểm trực chốt, sự chỉ đạo quyết liệt ngày đêm của lãnh đạo thành phố ngay tại cơ sở, khu cách ly, khu phong tỏa ở Hoàng Mai, Thanh Xuân... đã chạm đến trái tim của hàng triệu người dân.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhìn nhận Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, có sự thống nhất, thông suốt trên, dưới như một trong phòng, chống dịch.

Bài học kinh nghiệm bao trùm rút ra từ cách phòng, chống dịch của Hà Nội là thống nhất tinh thần và hành động, thống nhất trong cả hệ thống chính trị, đồng bộ trong thực hiện của cán bộ, nhân dân là "chống dịch như chống giặc," coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số một.

Đồng quan điểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng có nhiều bài học kinh nghiệm hay trong cách phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội và Bộ thường lấy để phổ biến, nhân rộng trên cả nước.

Bài học có ý nghĩa rất quan trọng mà thành phố thực hiện tốt là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở kết hợp với huy động sức dân tham gia chống dịch. Hà Nội còn làm tốt việc phân cấp, phân quyền, lãnh đạo.

Thành phố không chỉ bám sát tình hình, dự báo chính xác mà còn đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp với từng diễn biến của dịch từ giãn cách xã hội đến chiến lược xét nghiệm diện rộng đều rất đúng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục