Thủ đô những ngày giãn cách: Căng sức qua chiến dịch gần 60 ngày đêm

Thành phố Hà Nội đã “kích hoạt” cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với tinh thần khó khăn càng nhiều, quyết tâm càng lớn, triệu con tim một ý chí, cùng nỗ lực để chiến thắng dịch bệnh.
Thủ đô những ngày giãn cách: Căng sức qua chiến dịch gần 60 ngày đêm ảnh 1Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo về công tác phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Chính quyền và người dân Hà Nội đang căng sức trải qua "chiến dịch" gần 60 ngày đêm đối phó với đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4.

Với khối lượng công việc đồ sộ, ngổn ngang, phải giải quyết ngay cùng một lúc, chưa có trong tiền lệ nên còn có hạn chế nhưng vượt lên tất cả, ở những lúc khó khăn nhất lại toát lên phẩm giá của người Tràng An: Kiên trì, nhất quán, trí tuệ, sẻ chia và nghĩa tình.

Đó chính là nền tảng sức mạnh tiềm tàng, sẵn có để Hà Nội chiến đấu và chiến thắng đại dịch, thực hiện “mục tiêu kép” phấn đấu sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Phóng viên TTXVN thực hiện loạt bài viết về những ngày thực hiện giãn cách xã hội - thời điểm thể hiện rõ nét nhất về tinh thần, bản lĩnh, ý chí của người dân Thủ đô trong đại dịch.

Triệu con tim một ý chí

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 được đánh giá khốc liệt nhất trước tới nay. Hà Nội đã có thiệt hại về người, nhiều khu phố, tòa nhà chung cư bị phong tỏa, cách ly y tế do có người mắc COVID-19; hàng nghìn người dân được đưa đi cách ly tập trung.

Trong tình thế không thể thua, thành phố “kích hoạt” cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với tinh thần khó khăn càng nhiều, quyết tâm càng lớn, triệu con tim một ý chí, cùng nỗ lực để chiến thắng dịch bệnh.

Diễn biến dịch phức tạp

Sau những tháng phòng thủ chặt, đầu tháng 4/2021, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Đông Anh. Từ nguồn lây nhiễm này, cộng với các ca bệnh từ Thành phố Hồ Chí Minh mang về, Hà Nội đã có thêm nhiều ca mắc mới tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long và huyện Mỹ Đức.

[Hà Nội: Các cơ sở kinh doanh phải tạo điểm quét QR code khi mở lại]

Giữa những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch COVID-19 xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội đã xác định phải giữ cho “trái tim” của cả nước khỏe mạnh.

Với cách tiếp cận như vậy, ngày 24/5, thành phố Hà Nội ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND, yêu cầu từ 12 giờ ngày 25/5 tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), cửa hàng cắt tóc, gội đầu… Tuy nhiên, nguy cơ thành phố bùng phát dịch ở diện rộng rất cao, khi trong cộng đồng liên tiếp phát hiện những ca nhiễm mới.

Để phòng dịch từ sớm, từ xa, trong buổi làm việc với Hà Nội ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố cần quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không để dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo trên, tối 23/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị 17, theo đó từ 6 giờ ngày 24/7 vừa qua, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo nguyên tắc "ai ở đâu, ở yên đó" để phòng, chống dịch. Tính tại thời điểm trên, thành phố có 23 trường hợp dương tính.

Trong những ngày người dân Thủ đô thực hiện giãn cách, tình hình dịch vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, liên tiếp phát hiện những ổ dịch với nhiều ca mắc trong cộng đồng. Ổ dịch phường Văn Miếu (Đống Đa) phát hiện ngày 30/7 vừa qua. Từ hai ca mắc phát hiện ngày 18/7, ổ dịch tại phường Văn Chương (Đống Đa) liên tục phát hiện các mắc mới. Ngày 21/8, quận Đống Đa quyết định thành lập vùng cách ly y tế toàn bộ cả hai phường Văn Miếu, Văn Chương. Ổ dịch Văn Miếu đã ghi nhận 118 F0 và Văn Chương là 90 F0.

Ngày 1/8 và các ngày sau đó tại phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng) phát hiện tới 20 trường hợp dương tính liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga. Ngày 2/8, chợ Long Biên (Ba Đình) phải tiến hành phong tỏa 2 quầy hàng bán thủy sản do trước đó phát hiện một trường hợp sinh sống tại Thanh Trì nhưng buôn bán tại chợ này dương tính với SARS-CoV-2.

Từ giữa tháng 8/2021, khu vực ngõ 68 phố Đội Cấn liên tục phát hiện 33 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đây là ổ dịch lớn nhất quận Ba Đình trong đợt dịch COVID-19 thứ tư. Ngày 23/8, một lái xe trú tại ngõ 24 Kim Đồng phường Giáp Bát (Hoàng Mai) có biểu hiện ho sốt được xét nghiệm dương tính. Từ trường hợp này đã có 45 ca mắc COVID-19, ở ngõ 24 Kim Đồng.

Đáng chú ý, ổ dịch lớn và diễn biến phức tạp nhất là Thanh Xuân Trung. Ngày 24/8, Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân quyết định phong tỏa cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân Trung) do ngày 23/8 qua sàng lọc phát hiện 4 trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương trên.

Thủ đô những ngày giãn cách: Căng sức qua chiến dịch gần 60 ngày đêm ảnh 2Lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Đến ngày 26/8, ổ dịch Thanh Xuân Trung đã có 104 ca dương tính. Tính đến ngày 15/9, ổ dịch này ghi nhận hơn 500 ca dương tính SARS-CoV-2. Hàng nghìn người dân ở đây phải di dời khỏi nơi ở để giảm mật độ dân số, giảm sự lây nhiễm chéo.

Ngày 28/8, tại ngõ 76 Sơn Tây (Ba Đình) qua xét nghiệm sàng lọc phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, sau đó đã ghi nhận 21 ca F0. Từ 28/8 đến nay, địa bàn xã Tân Lập (Đan Phượng) đã phát sinh 15 trường hợp F0, đây là ổ dịch phức tạp liên quan đến có 5 ca là trẻ em.

Ngày 11/9, ổ dịch Thụy Hương (Chương Mỹ) phát hiện có 5 ca dương tính. Ngày 14/9, quận Hoàng Mai, phong tỏa 3 cụm tòa nhà tại Đền Lừ vì liên quan đến 16 ca F0.

Từ các con số trên cho thấy tại Hà Nội công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn nhiều thách thức lớn, vì các ca F0 cộng đồng vẫn còn. Trong khi tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội là rất cao.

Bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết

Để đối phó với diễn biến dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế trong các buổi làm việc trước đó, thành phố ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND, tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6 giờ ngày 6/9 trên phạm vi toàn thành phố nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Xác định tiêm vaccine sẽ là yếu tố mấu chốt để ngăn chặn dịch, ngày 8/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành kế hoạch số 206/KH-UBND xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố với sự hỗ trợ nhân viên y tế của 11 tỉnh, thành phố miền Bắc.

Đồng thời, Hà Nội cũng xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn, hoàn tất chuẩn bị 10.000 giường điều trị. Đối với khu cách ly tập trung F1, thành phố đã chủ động với phương án 30.000 chỗ tại các huyện, thị xã; đồng thời sẵn sàng kích hoạt các cơ sở khác để bảo đảm 75.000 và 100.000 chỗ.

[Hà Nội: Dỡ bỏ phong tỏa cách ly y tế khu vực ngõ 68 phố Đội Cấn]

Thể hiện cách làm thận trọng và khoa học, sau khi tham gia ý kiến các chuyên gia, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bối cảnh hiện nay, phòng, chống dịch bệnh là ưu tiên số 1 của Hà Nội, phải đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Chúng ta quyết tâm bảo vệ Hà Nội - trái tim của cả nước. Do đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9.

Ở lần giãn cách này, thành phố có cách làm sáng tạo, chia 3 vùng để phòng, chống dịch. Trong đó, vùng 1 (vùng nội đô-vùng đỏ) tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. Các vùng khác được áp dụng các biện pháp nới lỏng hơn theo cấp độ vàng và xanh, đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp chống dịch, một số ổ dịch trên địa gần đây trên địa bàn như Ngõ Vòng Hà, Văn Miếu, ngõ 68 Đội Cấn, 24 Kim Đồng, một phần phường Văn Chương, Văn Miếu... đã được dỡ phong tỏa. Số số ca mắc trong cộng đồng giảm.

Thủ đô những ngày giãn cách: Căng sức qua chiến dịch gần 60 ngày đêm ảnh 3Hà Nội phong tỏa khu vực có ca dương tính. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sáng 16/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết trong 12 giờ qua, trên địa bàn chỉ phát hiện thêm một ca mắc COVID-19 là người đã được cách ly. Đáng chú ý, từ 12 giờ ngày 16/9, 19 quận, huyện, thị xã của Hà Nội được mở lại một số dịch vụ kinh doanh một số mặt hàng: đồ dùng học tập, điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng và bán hàng ăn uống mang về.

Cũng trong thời gian giãn cách xã hội, Hà Nội đã huy động lực lượng báo chí, truyền thông và các đơn vị, đoàn thể thành phố vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền sâu rộng về công tác phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc," bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; phản ánh tinh thần đoàn kết quyết tâm cao, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc chỉ đạo phòng, chống dịch được triển khai bài bản chặt chẽ, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, thành phố thực hiện tốt quan điểm lấy xã, phường là “pháo đài,” người dân là “chiến sỹ,” là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch và xác định “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.”

Thủ đô những ngày giãn cách: Căng sức qua chiến dịch gần 60 ngày đêm ảnh 4 Tại các chốt "vùng xanh" trên địa bàn phường Hàng Bông, tất cả người lạ ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Với những gì diễn ra trong đợt chống dịch lần thứ 4 mà cao điểm là những ngày giãn cách trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, bằng sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, bài bản, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đã tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đồng tâm, hiệp lực chiến đấu với COVID-19.

Khi Tổ quốc gọi tên mình

Bên cạnh lực lượng tuyến đầu với nòng cốt là công an, quân đội, y, bác sỹ, toàn thành phố đã thành lập 4.559 Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng với 29.385 nhóm. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng thành lập hơn 11.000 Tổ an toàn COVID-19 với sự tham gia của gần 50.000 người.

Có nhiều gia đình tất cả các thành viên đều “vác tù và hàng tổng,” tích cực tham gia Tổ phòng, chống COVID cộng đồng. Ở quận Hoàng Mai có gia đình ông Vũ Đức Chiêu, khu dân cư số 7, phường Mai Động, cả 3 thành viên trong gia đình đều chọn cách cống hiến cho cộng đồng trong cuộc chiến cần sức mạnh tổng hợp này.

Ông Chiêu xung phong trực chốt kiểm soát dịch ở khu dân cư. Vợ ông, bà Trương Thị Na bận rộn với những bữa cơm miễn phí tặng nơi tuyến đầu chống dịch. Cô sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Vũ Phương Quỳnh - con gái ông Chiêu, hăng hái cùng Đoàn thanh niên phường hoạt động tình nguyện, hỗ trợ lực lượng y tế tiêm vaccine phòng COVID-19, trao quà cho các hộ khó khăn… Mỗi người một việc từ sáng tới tối, bữa ăn nhà ông Chiêu mùa dịch vì thế ít khi đầy đủ các thành viên.

Hình ảnh cả gia đình đi trực chốt là tấm gương vì cộng đồng của gia đình chị Nguyễn Linh Dung mà nhiều người ở ngõ Nguyễn Đổng Chi - Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm) nhắc đến. Hằng ngày người dân thường thấy chị cùng con trai Trần Quốc Anh tham gia trực chốt để bảo vệ “vùng xanh.”

Chốt kiểm soát dịch COVID-19 xã Bát Tràng (Gia Lâm) được dựng lên sớm nhưng áp lực cao hơn từ ngày 28/7. Thời điểm ấy, xã có 9 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Thủ đô những ngày giãn cách: Căng sức qua chiến dịch gần 60 ngày đêm ảnh 5Ông Nguyễn Văn Thinh, Cựu chiến binh tình nguyện trực chốt kiểm soát COVID-19 tại xã Bát Tràng, Gia Lâm. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)

Là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, “lão tướng” Nguyễn Văn Thinh một lần nữa xông trận đánh “giặc” COVID-19. Lúc đầu, khi biết tin ông tham gia chốt trực, con cháu trong nhà can ngăn vì lo lắng cho sức khỏe của ông. Thế nhưng với tinh thần của người lính Cụ Hồ, ông Thinh mong được đóng góp một phần nhỏ bé để ngăn chặn và chiến thắng dịch bệnh, giữ sức khỏe cho nhân dân.

Quên thời gian, quên không gian để “chiến đấu” với COVID-19

Có một lực lượng không thể không nhắc đến trong dòng chảy sức mạnh cộng đồng phòng, chống dịch là lực lượng y tế phường. Họ được ví như những “bờ đê” chắn sóng COVID-19 trước thềm nhà.

“Alo, tôi ở Trạm Y tế phường nghe đây, bác cần hỗ trợ gì? Vâng chúng tôi sẽ đến ngay, bác yên tâm nhé”... Đây là một trong những tình huống truy vết khẩn cấp được nhân viên y tế phường Thanh Nhàn nơi có ổ dịch Trại Găng nóng nhất, nhì Hà Nội thời gian qua với hàng chục ca F0 được phát hiện.

Trong bộ đồ bảo hộ, các bác sỹ, y tá vội đội mũ chống giọt bắn, lao ra chiếc xe máy phóng vút đi trong trưa nắng 40 độ C. Họ quên cả thời gian, bất chấp không gian theo đúng nghĩa đen, mang đến sự bình yên, tin tưởng cho những người dân nơi tâm dịch.

Chị Dương Thu Hương, Trưởng Trạm Y tế phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), tâm sự chẳng giống những bài học trong sách vở, nhiều ngày liền liên tục, nghe thoại là chúng tôi lại lao đi để tiếp nhận thông tin, tư vấn y tế cho những người dân đang hoang mang vì có liên quan đến COVID-19.

Trong lúc cao điểm của dịch, một núi công việc không tên và có tên đè nặng lên những nhân viên y tế phường. Vừa phải truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho những trường hợp F1, F2, F3, các nhân viên y tế phường còn phối hợp với tuyến trên tổ chức sắp xếp, xét nghiệm cho các trường hợp ho, sốt trong cộng đồng, triển khai tiêm vaccine cho người dân.

Trong khi việc nào cũng phải ngay và luôn, không thể chậm trễ, chị Dương Thu Hương thổ lộ dù chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến tuổi nghỉ hưu nhưng chị không thể xin nghỉ trước một ngày nào. Chị bảo không thể dời chiến trường lúc này, khi mà cộng đồng đang cần những nhân viên y tế trong trận chiến thần tốc không khoan nhượng với COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục