Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội, đường sá vắng vẻ, thưa bóng người qua lại. Các ngõ phố, khu dân cư dường như thu mình trong sự im lìm, người cách ly với người.
Trái với không khí trầm lặng là sự ấm áp, yêu thương, san sẻ - một truyền thống rất quý báu của người Hà Nội đã được phát huy, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, lao động mất việc làm... vượt qua đại dịch COVID-19.
Các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, nhóm thiện nguyện của thành phố lan tỏa phong trào "chung sức vì cộng đồng," sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ việc khó nào mà người dân đang cần.
Những nụ cười chia sẻ
Con đường dẫn vào xóm trọ số 2 ngách 173/24/7 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, khá quanh co, nhỏ hẹp. Thật bất ngờ, giữa làng hoa nổi tiếng của Hà Nội xưa kia, giờ được coi là một trong những vị trí “đất vàng” của Thủ đô lại có một xóm trọ với 5 gian nhà lụp xụp, lợp ngói fibro xi măng vá chằng chụp các tấm bạt và mái che tối tăm của những người làm nghề đồng nát, thợ xây.
11 người ở đây bao năm qua sống trong cảnh trời nóng thì như lò hơi, trời mưa dột ướt khắp nơi, thiếu cả ánh sáng lẫn không khí. Dịp này, Hà Nội liên tiếp thực hiện các đợt giãn cách xã hội, 5 người trong số họ không thể về quê, bị kẹt lại ở Thủ đô, cuộc sống, sinh hoạt rất khó khăn.
Ngày cuối cùng của tháng 8/2021, nhận được suất hỗ trợ lương thực, thực phẩm gồm gạo, thùng mỳ, chai dầu, nước mắm, rau… do cán bộ phường Ngọc Hà và Tổ trưởng tổ dân phố mang đến, chị Nguyễn Thị Hợi, quê ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cùng những người trong xóm trọ không giấu được sự xúc động.
Chị Hợi chia sẻ thường ngày, chị đi làm giúp việc và thu mua đồng nát nhưng do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên cuộc sống hiện tại rất khó khăn. Số tiền dành dụm được không nhiều, chi phí phải dè sẻn.
[Thủ đô những ngày giãn cách: Căng sức qua chiến dịch gần 60 ngày đêm]
Được tổ dân phố và phường hỗ trợ, chị cùng những người trong xóm trọ rất phấn khởi. Chị Hợi cũng cho biết, từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, một số đoàn thể, nhà hảo tâm đã đến hỗ trợ xóm trọ khiến những người ở đây thấy ấm lòng.
Theo bà Nguyễn Tuyết Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ngọc Hà, để nắm bắt được các gia đình khó khăn, những người đang lưu trú trên địa bàn bị kẹt lại do giãn cách không về được quê, phường đã phát phiếu khảo sát tình hình.
Từ nhu cầu, nguyện vọng của họ, phường đã có công văn gửi các chủ nhà trọ đề nghị hỗ trợ tiền thuê trọ trong thời gian giãn cách. Hầu hết các chủ nhà trọ đều giảm từ 1 tháng hoặc từ 30-70% tiền thuê nhà.
Phường trao hơn 500 suất quà gồm nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt thường ngày cho người dân bị mắc kẹt không về được quê, người có khó khăn và sẽ tiếp tục vận động nhà hảo tâm ủng hộ trong các đợt tiếp theo.
Dịp này, nhiều cơ quan, đoàn thể, hội nhóm thiện nguyện tích cực ủng hộ những khu vực, các gia đình, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Người Hà Nội đang tiếp nối truyền thống vốn quý, luôn sát cánh cùng những người chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, kịp thời chia sẻ, động viên họ trong thời điểm này.
Bếp ăn từ thiện của Chi hội Phụ nữ số 19 phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy những ngày qua luôn đỏ lửa, trao hàng trăm suất cơm miễn phí cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Chị Nguyễn Thị Phương Thức, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 19 chia sẻ, mỗi ngày bếp cung cấp 170 suất ăn cho lao động tự do, người thuê trọ.
Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau
Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, lao động bị dừng việc, sinh viên trong các khu vực nhà trọ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, chốt kiểm dịch… với phương châm “không để người dân nào thiếu đói, ốm đau mà không được quan tâm, hỗ trợ,” các cấp, ngành, đoàn thể thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ.
Hà Nội xác định việc hỗ trợ người dân khó khăn trong thời điểm này là nhiệm vụ quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội phối hợp cùng các tổ chức, cá nhân triển khai chương trình “Triệu bữa cơm-Hà Nội nghĩa tình” với 4 giai đoạn. Trong ba giai đoạn đầu đã nấu, trao 120.000 suất ăn tới những hoàn cảnh khó khăn.
Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức chương trình “Xe buýt Siêu thị 0 đồng,” “Siêu thị 0 đồng,” “Túi an sinh Công đoàn” hỗ trợ công nhân lao động khó khăn trong các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Lũy kế từ khi đợt dịch bùng phát lần thứ tư đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi từ nguồn kinh phí Công đoàn trên 62 tỷ đồng và vận động các nguồn lực xã hội hóa với số tiền trên 103 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thăm hỏi lực lượng tuyến đầu, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã triển khai ngay việc hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, tính đến hết ngày 29/8, thành phố đã hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 2,34 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng kinh phí gần 750 tỷ đồng (kinh phí từ ngân sách là gần 597 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa là gần 153 tỷ đồng).
Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ cho hơn 1,58 triệu người, kinh phí hơn 314,2 tỷ đồng. Các chính sách đặc thù của thành phố và nguồn lực cộng đồng đã hỗ trợ cho gần 760 nghìn lượt người, hộ gia đình, với tổng số tiền hơn 435 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, cho biết Hà Nội triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời cho người dân như: hỗ trợ 100% hộ nghèo suất quà trị giá 1 triệu đồng; triển khai chương trình “Đoàn kết chống dịch”; thiết lập đường dây nóng của Mặt trận Tổ quốc thành phố và 30 quận, huyện, thị xã; lập fanpage “Đoàn kết chống dịch” để kịp thời hỗ trợ người dân. Cùng với đó, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô triển khai “Chợ 0 đồng,” “Gian hàng 0 đồng,” “Túi hàng 0 đồng”…
Thông qua đường dây nóng và fanpage “Đoàn kết chống dịch”, Mặt trận các cấp tiếp nhận trên 2.300 cuộc gọi đề nghị giúp đỡ, xin tư vấn về chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố cho người lao động… Sau khi xác minh, các cấp đã trao hỗ trợ cho 2.064 trường hợp. Đến nay, Mặt trận các cấp huy động đóng góp cho Quỹ phòng, chống COVID-19 với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang thực hiện các bước, thủ tục theo quy định để giảm 50% học phí cho trẻ Mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2021-2022 gồm cả cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục (trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.
Cùng với đó, Hà Nội còn thể hiện nghĩa tình với các địa phương, tích cực chi viện cho nhiều tỉnh, thành phố như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang... Vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Thành phố Hồ Chí Minh,” Hà Nội đã hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo, tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo, hỗ trợ 18 tỉnh, thành phố phía Nam mỗi địa phương 3 tỷ đồng.
Dịch COVID-19 tại Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp, cùng với tập trung phòng, chống dịch, thành phố luôn quan tâm đến đời sống người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.
Chứng kiến những nghĩa tình của người dân Thủ đô dành cho người yếu thế mới thấy giá trị của công tác an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào thành công trong "cuộc chiến" chống dịch COVID-19./.