Tình hình dịch COVID-19 tại Nga đang diễn biến hết sức phức tạp khi nước này ngày 19/6 ghi nhận thêm 17.906 ca mắc mới, trong đó riêng thủ đô Moskva có tới hơn 9.000 ca.
Theo cơ quan thống kê nhà nước, trong 24 giờ qua, Moskva ghi nhận 9.120 ca mắc mới. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại thủ đô của Nga tăng cao kỷ lục.
Thị trưởng Sergei Sobyanin cho rằng sở dĩ số ca mắc tăng vọt là do sự xuất hiện của biến thể Delta (xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ) của virus SARS-CoV-2. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước đã lên tới 5.299.215 ca.
Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 466 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 128.911 ca.
Tính từ tháng 4/2020 đến tháng Tư năm nay, Nga đã ghi nhận khoảng 270.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19.
[Moskva ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục, đóng cửa fanzone]
Trong khi đó, dịch bệnh tiếp tục có chuyển biến tích cực tại Italy. Theo đó, kể từ ngày 21/6, cả nước Italy, trừ khu vực Val d'Aosta, sẽ được xác định là vùng có nguy cơ thấp (vùng trắng) về COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã ký sắc lệnh trên ngày 18/6, trong bối cảnh nước này liên tục có số ca mắc mới hàng ngày ở mức thấp nhất trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế Italy, ông Gianni Rezza nhấn mạnh dịch COVID-19 có diễn biến tích cực tại nước này là nhờ việc thực hiện các biện pháp thận trọng song song với chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ rằng "dịch bệnh vẫn chưa kết thúc và chúng ta phải tiếp tục chiến dịch tiêm chủng với tốc độ tối đa."
Trong khi đó, Chủ tịch Viện Y tế Cấp cao (ISS) Silvio Brusaferro giải thích rằng các số liệu thống kê đều cho thấy số ca mắc COVID-19 đã giảm ở tất cả các khu vực tại Italy. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tiếp tục giảm khi số người được tiêm chủng tăng lên. Tỷ lệ những người bị mắc COVID-19 sau khi được tiêm chủng cũng ở mức rất thấp.
Tuy nhiên ISS cũng cảnh báo rằng dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tại Italy là đặc biệt đáng lo ngại, do biến thể này có thể vô hiệu hóa khả năng bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19. Biến thể này đã được chứng minh là có khả năng lây lan cao hơn 60%.
Theo ông Brusaferro, phương án đối phó với những đợt bùng phát mới là phải truy tìm, theo dõi chặt chẽ và điều trị các ca bệnh, cũng như tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng./.