Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, Bambang Brodjonegoro, mới đây đã đưa ra dự báo trong 5 đến 10 năm tới, ước tính sẽ có 1,5 triệu người chuyển đến sống tại thủ đô mới của Indonesia nằm ở tỉnh Đông Kalimantan, trên đảo Borneo.
Theo vị Bộ trưởng này, vào năm 2024, khoảng 205.000 cư dân sẽ chuyển đến sống ở thủ đô mới, trong đó bao gồm 180.000 công chức, viên chức, và 25.000 thành viên lực lượng vũ trang.
Tiếp đó, trong 5-10 năm sau khi được di chuyển, thủ đô mới sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1,2 triệu người, bao gồm khoảng 800.000 người là con cái của các công chức, viên chức, và khoảng 300.000-400.000 người làm trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ bổ trợ như nhà hàng, trung tâm mua sắm...
Theo Bộ trưởng Bambang, tuy có số dân dự kiến thấp hơn nhiều so với thủ đô Jakarta hiện tại, song thủ đô của một quốc gia không nhất thiết phải là thành phố lớn nhất hoặc là đầu não tập trung tất cả các hoạt động của đất nước, từ chính trị đến kinh tế.
Ông nhấn mạnh: “Việc phát triển thủ đô mới làm nơi tập trung các cơ quan đầu não của chính phủ là điều đáng để làm. Đã đến lúc Indonesia cần có các hệ thống thành phố với chức năng rõ ràng."
[Thủ đô mới của Indonesia được xây theo mô hình Thung lũng Silicon]
Ông Bambang cũng cho biết, một số quốc gia trên thế giới đã tách chính quyền trung ương với các hoạt động khác, chẳng hạn như Mỹ đưa Washington DC thành trung tâm hành chính và New York làm trung tâm kinh tế. Ngoài ra, Australia không đặt trung tâm hành chính ở thành phố lớn nhất là Sydney mà là ở Canberra.
Trước đó vào hôm 26/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo thủ đô mới của Indonesia sẽ được chuyển từ Jakarta đang bị đe dọa bởi tình trạng sụt lún đất và ách tắc giao thông nghiêm trọng đến tỉnh Đông Kalimantan.
Kế hoạch di dời thủ đô dự kiến sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), trong đó Chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư./.