Thủ đô của Ấn Độ cấm sử dụng máy phát điện chạy dầu diesel

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 15/10 ban hành lệnh cấm sử dụng các máy phát điện sử dụng dầu diesel trong bối cảnh mức ô nhiễm tại thủ đô Ấn Độ vượt quá giới hạn an toàn hơn 4 lần.
Ô nhiễm không khí tại Ấn Độ. (Nguồn: Indiatoday)

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 15/10 ban hành lệnh cấm sử dụng các máy phát điện sử dụng dầu diesel trong bối cảnh mức ô nhiễm tại thủ đô Ấn Độ vượt quá giới hạn an toàn hơn 4 lần.

Lệnh cấm sử dụng máy phát điện diesel là một phần trong Kế hoạch hành động GRAP có hiệu lực từ ngày 14/10.

Các biện pháp khác sẽ có hiệu lực khi mức khói tăng, nhất là sau lễ hội Diwali vào cuối tháng 10, gồm cấm xẻ tải và thiết lập một "phòng tác chiến" theo dõi tình hình ô nhiễm.

Từ 4-15/11, một kế hoạch phân chia đường sẽ có hiệu lực, theo đó các xe ôtô biển lẻ và chẵn sẽ được phép đi trong các ngày khác nhau trong thời gian này.

[Thái Lan đưa ra 7 biện pháp giảm khí thải từ các phương tiện cơ giới]

Giới chức tại New Dehli cũng cho biết sẽ phân phát mặt nạ chống ô nhiễm cho học sinh vào tuần tới. Ấn Độ cũng đang tìm cách cắt giảm việc đốt rơm rạ của nông dân ở ngoại ô thủ đô New Delhi.

Cứ vào mùa Đông, New Delhi lại bị bao phủ bởi một lớp khỏi độc hại từ ôtô, khí thải công nghiệp và khói đốt rơm rạ trên các cánh đồng ở ngoại ô thủ đô có 20 triệu dân này.

Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, mật độ bụi mịn PM 2.5 đã đạt mức 108 microgram/m3 trong ngày 15/10.

Mật độ này cao gấp hơn 4 lần mức an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong những năm trước, mức này thường xuyên vượt con số 400 microgram/m3.

Năm 2018, một báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy 14 trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới là tại Ấn Độ, trong khi một nghiên cứu của Mỹ cho biết ô nhiễm không khí làm 1 triệu người chết sớm mỗi năm./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục