Thu Cúc: Nữ hoàng bảy môn phối hợp và hai tấm HCV lịch sử

Thu Cúc (kỳ 1): Nữ hoàng bảy môn phối hợp và hai tấm HCV lịch sử

250 m ấy của Thu Cúc là một trong những ký ức đẹp nhất của điền kinh Việt Nam. Những bước chạy thần tốc của cô gái quê Cần Thơ và sự mệt mỏi của đối thủ Thái Lan tạo cơ hội cho Thu Cúc vượt lên...
Nguyễn Thị Thu Cúc vẫn là vận động viên bảy môn phối hợp hàng đầu của Việt Nam sau hơn một thập kỷ. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Cúc ngước lên nhìn khán đài, cổ động viên đã bỏ về hết, quan chức, lãnh đạo đoàn Việt Nam cũng không còn ở lại, sân vận động Philippines vắng lặng như tờ, cô chợt thấy tủi thân đến nghẹn đắng. Phần thi bảy môn phối hợp đã qua 6/7 nội dung, khoảng cách với vận động viên Thái Lan là rất xa, hy vọng chiến thắng mong manh quá...

Kỳ tích ở Philippines và tấm huy chương vàng SEA Games thứ hai

SEA Games 23 tại Philippines, nội dung điền kinh bảy môn phối hợp (vượt rào, nhảy cao, ném tạ, chạy 200 m, nhảy xa, ném lao, chạy 800 m), sau sáu nội dung, khoảng cách giữa vị trí thứ hai của Nguyễn Thị Thu Cúc với vận động viên đứng đầu Thái Lan là 148 điểm. Để chiến thắng, Cúc phải chạy nhanh hơn đối thủ 11 m trong nội dung 800 m cuối cùng. Đấy là một thử thách gần như không tưởng.

Thực tế khó khăn ấy đã làm nản lòng những người Việt Nam kiên trì nhất. Nội dung bảy môn phối hợp được tổ chức ở một sân vận động hẻo lánh sâu trong nội địa Philippines. Các cổ động viên bắt đầu ra về, đến chính lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam cũng không còn tin vào cơ hội chiến thắng của “gà nhà”. Họ lần lượt đứng dậy lên xe. Sau hai ngày thi đấu liên tục, Thu Cúc đã mệt nhoài. Cô nhìn chuyên gia, đôi mắt như sắp khóc.

“Làm sao có thể chạy 800m hơn người ta mười mấy giây để lật ngược tình thế? Làm sao để ăn được người ta? Tính cách nào cũng không biết. Cuối cùng, mình chỉ nghĩ được là cứ chạy hết sức, mình mệt thì người ta cũng mệt, mình đuối thì người ta cũng đuối. Trong đầu mình lúc ấy, chỉ có một chữ chạy mà thôi. Khi mình chạy được 500m, đoàn báo là Cúc ơi, khoảng cách (với vận động viên) Thái Lan chỉ là 20m thôi. Chết rồi, 20 m thì làm sao mà đủ được. Muốn cách biệt mười mấy giây ở nội dung này thì phải tạo khoảng cách 80m. Phía trước mình lúc ấy chỉ còn 250 m. Làm sao bây giờ?”

Thu Cúc (bục số 1) nhận huy chương vàng SEA Games 22 tại Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

250m ấy của Thu Cúc là một trong những ký ức đẹp nhất của điền kinh Việt Nam ở sân chơi khu vực. Những bước chạy thần tốc của cô gái quê Cần Thơ và sự mệt mỏi của vận động viên Thái Lan tạo cho Thu Cúc cơ hội vượt lên. Khoảng cách 11 giây được lấp đầy trong gang tấc, Thu Cúc chiến thắng nội dung 800m và giành huy chương vàng nội dung bảy môn phối hợp ở SEA Games 23.

Đến cả lúc ấy, Thu Cúc cũng không dám tin rằng mình đã chiến thắng. Cô xúc động: “Khi về tới đích, mình cũng không biết thành tích của mình là bao nhiêu. Mình sợ, không dám nhìn. Cả tới khi thấy ở trên khán đài ăn mừng tưng bừng còn vận động viên Thái Lan ngồi khóc, mình vẫn không dám tin.”

Đó là tấm huy chương vàng thứ hai liên tiếp của Thu Cúc ở nội dung này. Quan trọng hơn, thành công ấy khẳng định tấm huy chương ở Việt Nam hai năm trước đó (SEA Games 22) không phải là một chiến tích “cậy gần nhà”.

Khởi đầu từ giải đấu phong trào

Bước ngoặt đầu tiên của Thu Cúc là giải đấu năng khiếu tỉnh Cần Thơ năm 1996. Các huấn luyện viên và những chuyên gia có mặt trên sân đã rất bất ngờ khi chứng kiến một cô bé mảnh khảnh đánh bại hàng loạt anh chị ăn tập vài năm để giành huy chương nội dung chạy và nhảy cao. Thu Cúc kể lại: “Mình yêu thể thao từ khi còn nhỏ. Khi xem ti vi, cứ thấy mọi người thi đấu mà mình rất mê, mình mê nhất là chạy và nhảy cao. Khi ấy, mọi thứ đều rất tự nhiên, mình tự thích, tự chạy thôi chứ chưa nghĩ gì tới chơi thể thao năng khiếu cả.”

Thật may cho điền kinh Cần Thơ khi các chuyên gia đã không bỏ qua “viên ngọc” ấy. Họ theo Cúc về tận nhà thuyết phục gia đình cho cô đi tập chuyên nghiệp. Nhưng bốn năm đầu tiên từ 1996 tới 2000, Cúc không có thành tích nào nổi bật. Mọi thứ chỉ thay đổi vào mùa Hè năm 2000 khi Cúc dự giải vô địch quốc gia.

Thu Cúc trải lòng về quyết định theo đuổi thể thao chuyên nghiệp của mình. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Được một chuyên gia phát hiện có tố chất toàn năng, Cúc nhận lời khuyên chuyển sang thi đấu nội dung bảy môn phối hợp. Chỉ sau một năm, cô giành giải vô địch quốc gia. Đến năm 2002, Cúc vào đội tuyển quốc gia. Một năm sau, cô gây sốc ở nội dung bảy môn phối hợp SEA Games 22 khi đánh bại những tên tuổi sừng sỏ của Thái Lan và Philippines để chiến thắng. Ngôi sao mới của điền kinh Việt Nam đã xuất hiện.

Tượng đài của điền kinh Cần Thơ

Sau chiến tích SEA Games 22 năm 2003, Thu Cúc bước vào thời kỳ đẹp nhất của sự nghiệp. Cô liên tục chinh phục các đỉnh cao, duy trì thành tích xuất sắc trên mọi sân chơi ở mọi đẳng cấp. Năm 2005, Cúc bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games ở Philippines. Năm 2009, cô giành huy chương đồng Asian Indor Games ở nội dung năm môn phối hợp trong nhà. Xen giữa các thành tích quốc tế ấy là chín lần đoạt huy chương vàng tại giải điền kinh vô địch quốc gia - một sự thống trị tuyệt đối.

Suốt một thập kỷ qua, nội dung bảy môn phối hợp của thể thao Việt Nam sống dưới cái bóng của Thu Cúc. Cùng với nội dung marathon (42,195 km) và 10 môn phối hợp (dành cho nam), đây là ba nội dung khó khăn bậc nhất của điền kinh. Mỗi vận động viên sẽ phải tham dự bảy nội dung kéo dài trong hai ngày liên tiếp. Mỗi tuần, một vận động viên đỉnh cao phải tập đi tập lại giáo án ấy ít nhất hai lần. Họ cũng chỉ có ba cơ hội tập một nội dung trong một tuần và phải đối diện với nguy cơ “quên” nội dung vừa tập luyện trước khi chuyển sang nội dung sau.

Bộ sưu tập huy chương đồ sộ của Nguyễn Thị Thu Cúc. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Bảy môn phối hợp là nội dung đòi hỏi những điều kiện thể chất đặc biệt. Đây là môn thể thao được mặc định cho những vận động viên có nền tảng thể chất toàn diện, toàn năng về kỹ thuật, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực cực lớn.

Yêu cầu đặc biệt ấy là lý do giải thích việc vận động viên 34 tuổi Thu Cúc vẫn đang là số một của điền kinh Việt Nam ở bảy môn phối hợp. Để có được tinh thần thép và sự kiên trì phi thường ấy trong tập luyện, Cúc đã phải hy sinh rất nhiều...

Thể thao Cần Thơ không chỉ có Ánh Viên

Những năm gần đây, nhắc tới thể thao Cần Thơ, chúng ta chỉ nhớ tới Nguyễn Thị Ánh Viên. Nhưng với riêng lãnh đạo ngành thể thao Cần Thơ, Thu Cúc mới là cái tên số một bởi Ánh Viên thuộc biên chế đoàn quân đội, ăn lương và hưởng các chế độ từ quân đội. Ở cấp độ quốc tế, thể thao Cần Thơ chỉ có Thu Cúc sở hữu đẳng cấp cao hơn cả. Cô cũng từng nhận được bằng khen của Thủ tướng chính phủ cho những thành tích xuất sắc của mình.

Kỳ 2: Tình yêu dang dở, nỗi đau và sự hy sinh

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục